You are here

Tin Lành Theo Ma-thi-ơ (14)

Tin Lành Theo Ma-thi-ơ (14)

Phước Cho Những Kẻ Chịu Bắt Bớ Vì Sự Công Nghĩa

Ma-thi-ơ 5:10 – 12

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Kỳ trước chúng ta đã tra khảo Ma-thi-ơ 5:9: “Phước cho những kẻ tạo nên bình yên vì sẽ được gọi là con Chúa Trời.” Hôm nay chúng ta tra khảo đoạn Kinh Thánh kế tiếp.

Ma-thi-ơ 5:10 – 12 10 Phước cho những kẻ chịu bắt bớ vì sự công nghĩa, vì vương quốc Thiên Đàng là của những kẻ ấy! 11 Khi nào vì cớ của ta mà người ta mắng nhiếc, bắt bớ, và lấy mọi điều dữ vu cáo các ngươi, thì các ngươi được phước. 12 Hãy vui vẻ, và hân hoan mừng rỡ, vì phần thưởng các ngươi ở trên trời thì lớn lắm; bởi vì người ta cũng từng bắt bớ các đấng tiên tri trước các ngươi như vậy.

Trong đoạn Kinh Thánh này Chúa Giê-su dạy rằng những kẻ chịu bắt bớ vì sự công nghĩa thì có phước lắm, bởi vì vương quốc Thiên Đàng là của họ. Xin các bạn để ý vào những chữ này, “vương quốc Thiên Đàng là của những kẻ ấy,” ở đây Chúa đang nói về chuyện xảy ra hiện bây giờ, chứ không phải là chuyện trong tương lai. Hiện bây giờ vương quốc Thiên Đàng là của những kẻ ấy, tức là vương quốc Thiên Đàng là ở trong lòng của những kẻ chịu bắt bớ vì sự công nghĩa.

Hơn nữa khi nào vì cớ của Chúa Giê-su mà người ta mắng nhiếc, bắt bớ, và lấy mọi điều dữ vu cáo chúng ta thì ta được phước. Ấy là “vì cớ của Chúa Giê-su”, chứ không phải vì tội lỗi của mình. Giả tỉ chúng ta phạm tội lỗi mà bị người khác mắng nhiếc, thì điều đó chẳng có gì đáng mừng rỡ cả. Ngược lại nếu chúng ta bị bắt bớ vì cớ của Chúa thì ta hãy hân hoan mừng rỡ, tại vì phần thưởng của ta ở trên trời thì lớn lắm, ấy là phần thưởng ở trong tương lai. Những đấng tiên tri cũng từng bị người đời bắt bớ như vậy.

Chịu Bắt Bớ Vì Sự Công Nghĩa Và Chịu Bắt Bớ Vì Cớ Của Chúa Giê-su Có Khác Nhau Không?

Đầu tiên, chịu bắt bớ vì sự công nghĩa và chịu bắt bớ vì cớ của Chúa Giê-su có khác nhau không?

Giê-rê-mi 23:6 6 Trong đời vua ấy, Giu-đa sẽ được cứu; và Y-sơ-ra-ên sẽ ở yên ổn, và người ta sẽ xưng danh Ðấng ấy là: Gia-vê sự công nghĩa của chúng ta !

Tên của Chúa Trời là “יהוה ” (YHWH hay Yahweh) (đọc là Gia-vê). Chúa Trời Đức Gia-vê chính là sự công nghĩa của chúng ta.

1 Cô-rinh-tô 1:30 30 Vả, ấy là nhờ Ngài mà anh em ở trong Chúa Giê-su Christ, là đấng mà Chúa Trời đã làm nên trí tuệ, sự công nghĩa, sự nên thánh và sự cứu chuộc cho chúng ta.

Câu Kinh Thánh này dạy rằng Chúa Giê-su Christ là đấng mà Chúa Trời Gia-vê đã làm nên trí tuệ, sự công nghĩa, sự nên thánh và sự cứu chuộc cho chúng ta. Vậy Chúa Giê-su Christ cũng là sự công nghĩa của chúng ta.

Qua hai câu Kinh Thánh trên ta thấy rằng Chúa Trời Đức Gia-vê và Con Ngài Chúa Giê-su Christ cùng là sự công nghĩa của chúng ta. Bởi vậy khi chúng ta chịu bắt bớ vì cớ của Chúa Giê-su tức là chịu bắt bớ vì sự công nghĩa.

Còn các đấng tiên tri trong thời Cựu Ước sống trên thế gian này trước khi Chúa Giê-su ra đời; họ không phải chịu bắt bớ vì cớ của Chúa, nhưng họ chịu bắt bớ vì sự công nghĩa. Cho nên phần thưởng của họ ở trên trời thì lớn lắm.

Xin để ý, phần thưởng của các đấng tiên tri là ở trên trời trong tương lai, chứ không phải là hiện bây giờ. Còn Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta chịu bắt bớ vì cớ của Chúa Giê-su thì phần thưởng của ta là vương quốc Thiên Đàng ở trong lòng ta hiện bây giờ, và trong tương lai ở trên trời chúng ta còn được phần thưởng lớn lao nữa! Các bạn có vui lòng chịu bắt bớ vì cớ của Chúa Giê-su không?

Những Đoạn Kinh Thánh Thuật Lại Các Tín Đồ Cơ Đốc Hân Hoan Mừng Rỡ Khi Bị Bắt Bớ

Trong quyển sách Công Vụ Các Sứ Đồ có ghi lại những câu chuyện các anh chị em Tín Đồ vui mừng ca ngợi Chúa Trời khi họ bị bắt bớ vì cớ của Chúa Giê-su.

Công Vụ Các Sứ Đồ 5:40 – 41 40 Chúng nghe theo lời người, bèn gọi các sứ đồ vào, sai đánh đòn các sứ đồ và cấm không được nhân danh của Chúa Giê-su mà giảng dạy nữa, rồi thả ra. 41 Vậy các sứ đồ từ tòa công luận ra, hân hoan vì được kể là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Chúa.

Khi các sứ đồ truyền giảng Tin Lành của vương quốc Chúa Trời ở thành phố Giê-ru-sa-lem, nhiều người nghe rồi tin vào Chúa Giê-su, điều này khiến những người cầm quyền trong Đạo Do Thái bực tức lắm. Họ sai người đi bắt các sứ đồ về bỏ vào tù ngục. Họ muốn giết các sứ đồ đi, nhưng một người trong bọn đó tên là Ga-ma-li-ên khuyên họ hãy cẩn thận, đừng có giết các sứ đồ này, nếu những việc các sứ đồ làm không phải là theo ý của Chúa Trời, thì sớm muộn gì Tin Lành mà họ truyền giảng cũng sẽ tiêu tan chẳng tồn tại được bao lâu. Còn nếu những việc các sứ đồ làm quả thực là theo ý của Chúa Trời thì sẽ không ai ngăn chặn được, và những ai muốn ngăn chặn việc làm của các sứ đồ tức là chống nghịch lại Chúa Trời.

Bọn cầm quyền thấy lời của ông Ga-ma-li-ên có lý, bèn nghe theo người. Chúng bắt các sứ đồ vào và sai người đánh đòn họ, cấm họ không được nhân danh của Chúa Giê-su mà truyền giảng Tin Lành nữa, rồi thả ra. Các sứ đồ có đau buồn sợ hãi không? Không! Họ vui mừng hớn hở vì được kể là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Chúa.

Xin các bạn để ý, các sứ đồ coi việc chịu khổ nhục vì cớ của Chúa Giê-su là một đặc ơn, chỉ có những người được Chúa Trời coi là xứng đáng mới được ban cho đặc ơn chịu khổ vì cớ của Chúa Giê-su vậy!

Công Vụ Các Sứ Đồ 16:23 – 25 23 Sau khi đánh đòn, các quan bỏ hai sứ đồ vào tù ngục và truyền giám ngục canh giữ cẩn mật. 24 Được lệnh, giám ngục giam hai người vào ngục kín và cùm chân lại. 25 Khoảng nửa đêm, Phao-lô và Si-la đang cầu nguyện và ca ngợi Chúa Trời, các tù nhân đều lắng nghe.

Đoạn Kinh Thánh trên thuật lại một câu chuyện khác, Phao-lô và Si-la bị bắt vì truyền giảng Tin Lành của Chúa Trời. Họ bị đánh đòn, rồi bị bỏ vào ngục tối và cùm chân lại. Họ có đau buồn bực tức không? Không! Họ cầu nguyện và còn ca hát khen ngợi Chúa Trời nữa. Tiếng hát của họ đã thu hút các tù nhân khác đều lắng nghe. Cho dù bị bỏ vào tù ngục, Phao-lô và Si-la vẫn có thể truyền giảng Tin Lành làm chứng cho Chúa Giê-su! Vinh diệu thay! Kỳ diệu thay!

Những Câu Chuyện Các Tín Đồ Cơ Đốc Vui Lòng Chịu Bắt Bớ Vì Cớ Của Chúa Giê-su

Hội Thánh đã được thành lập gần hai ngàn năm rồi, trong hai ngàn năm qua đã có vô số người Tín Đồ Cơ Đốc bị bắt bớ giết hại vì cớ của Chúa. Trong mười hai sứ đồ của Chúa Giê-su, sứ đồ Giăng bị bỏ vào tù ngục ở một đảo nhỏ tên là Bát-mô, rồi người chết ở đó vào tuổi già. Còn mười một sứ đồ kia đều bị giết hại.

Một người môn đồ của sứ đồ Giăng tên là Polycarp (đọc là Bô-li-cáp) bị thiêu chết, lúc đó Polycarp đã tám mươi mấy tuổi rồi. Ông quan La-mã thấy Polycarp đã già, ông muốn tha cho người. Cho nên ông quan nói với người rằng: “Ngươi chỉ cần tuyên bố bằng mồm rằng vua Sê-sa của Đế Quốc La-mã là Chúa Trời, thì tôi sẽ thả ngươi liền!” Nhưng Polycarp nói rằng: “Làm sao mà tôi có thể chối bỏ Đấng Chúa Trời tôi đã phụng sự suốt đời?” Polycarp chẳng thà chịu chết thiêu mà không chịu tôn vua Sê-sa làm Chúa Trời, bởi vì nếu người tôn vua Sê-sa làm Chúa Trời thì tức là chối bỏ Chúa Trời Gia-vê. Hết thảy Tín Đồ trung tín của Chúa Giê-su đều tin chắc rằng chỉ có một Đấng Chúa Trời chân thật duy nhất là Yahweh (Gia-vê), Chúa Giê-su Christ là Con một của Chúa Trời, Chúa Trời sai Chúa Giê-su đến để cứu vớt loài người, những người tin vào Chúa Giê-su thì được ban cho sự sống đời đời (căn cứ theo Giăng 3:16). Rốt cuộc Polycarp vui lòng bị thiêu chết vì sự công nghĩa.

Ngay cả một nhà lịch sử nổi tiếng trong thời Đế Quốc La-mã cũng ghi lại rằng những người Tín Đồ của Chúa Giê-su là những công dân tốt, họ rất tử tế đứng đắn, họ thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, và họ còn sẵn sàng giúp đỡ những người thù ghét họ nữa. Họ tuân theo luật pháp của nhà nước, ngoại trừ một việc là họ không chịu tôn sùng ông vua La-mã làm Chúa Trời.

Có nhiều người Tín Đồ Cơ Đốc vượt qua biên giới của Đế Quốc La-mã đi đến những nơi xa xôi để truyền giảng Tin Lành, và họ đã bị giết hại trong những xứ xa lạ này. Một trong mười hai sứ đồ của Chúa Giê-su là Thô-ma đã đi đến nước Ấn Độ để rao truyền Tin Lành, và sau cùng người bị giết hại ở đó.

Năm 1956 có năm vị giáo sĩ trẻ tuổi người Mỹ, họ đã từ bỏ cuộc sống sung sướng thoải mái ở nước Mỹ mà dấn thân vào tận rừng già của Nam Mỹ để rao truyền Tin Lành cho người thổ dân Auca (đọc là Ô-ca). Những người thổ dân này mang tiếng là dã mang tàn bạo. Rốt cuộc cả năm vị giáo sĩ đều bị giết hại. Một trong năm vị giáo sĩ này tên là Jim Eliot, bà vợ của thầy Jim tên là Betty. Một giáo sĩ khác tên là Nate, bà chị của thầy Nate tên là Rachel. Bà Betty và bà Rachel cùng nhau học tiếng nói của người thổ dân Auca, rồi hai bà này cùng đi vào cái làng của người thổ dân và ở chung với họ để rao truyền Tin Lành của Chúa Trời cho họ. Về sau phần đông những người trong bộ lạc đều tin vào Chúa Trời và Chúa Giê-su. Cảm tạ Chúa Trời! Khen ngợi Chúa Trời! Và từ đó trở đi họ không giết người nữa. Năm vị giáo sĩ và hai người đàn bà này xứng đáng nhận lãnh phần thưởng lớn ở trên trời. (Xin đọc 3 bài giảng “Qua Ngưỡng Cửa Vinh Hiển (1), (2) & (3)” để biết rõ toàn bộ chi tiết)

Trong mấy năm vừa qua, Tín Đồ Cơ Đốc bị đàn áp khủng khiếp ở Ấn Độ. Những người theo đạo Bà-la-môn giết hại và làm nhục nhiều người Tín Đồ Cơ Đốc. Nhiều khi các anh chị em Tín Đồ đang có buổi họp, thì bất thình lình một nhóm người Bà-la-môn xông vào, họ phá hoại các đồ đạc trong phòng họp. Đôi khi các Tín Đồ còn bị trói lại và bị bắt diễn hành trên đường phố, còn những người đứng hai bên đường thì chưởi mắng họ, làm nhục họ và ném đá vào họ. Vài năm về trước có một thầy truyền giáo người Úc-đại-lợi và đứa con trai của ông đã bị thiêu chết trong chiếc xe. Hai cha con đi vào một làng nhỏ để rao truyền Tin Lành, ban đêm họ không kịp đi về nhà nên họ ngủ trong chiếc xe đó. Giữa đêm có một nhóm người đến quăng cỏ khô vào trong xe, rồi bắt lửa đốt lên. Rốt cuộc thầy truyền giáo và con trai nhỏ chết thiêu trong xe. Họ đã hy sinh tánh mạng vì cớ của Chúa Giê-su, vương quốc Thiên Đàng là của họ, phần thưởng của họ ở trên trời thì lớn lắm!

Khi chồng tôi và tôi phụng sự Chúa Trời ở Philippines, chúng tôi quen biết một ông quan trong chính phủ Philippines, ông này là một người Tín Đồ Cơ Đốc chân chính. Phần nhiều những ông quan trong chính phủ Philippines thì rất tham nhũng. Sau khi ông này trở thành Tín Đồ Cơ Đốc thì ông không muốn ăn hối lộ nữa. Nhưng tại vì ông Tín Đồ này không muốn hợp tác với những ông quan tham nhũng làm những chuyện phi pháp, cho nên họ muốn giết hại ông này. Nhưng ông không có sợ hãi rút lui, ông sẵn sàng chịu chết vì sự công nghĩa.

Tại Sao Người Đời Lại Bắt Bớ Tín Đồ của Chúa Giê-su?

Nhưng tại sao người đời lại thù ghét Tín Đồ Cơ Đốc? Ở phần trên chúng ta vừa mới thấy rằng chính một nhà lịch sử nổi tiếng dưới thời Đế Quốc La-mã cũng ghi rằng những người Tín Đồ Cơ Đốc là công dân tốt lành, không phạm điều lệ của nhà nước, họ thương yêu lẫn nhau và còn vui lòng giúp đỡ những kẻ thù ghét họ nữa. Vậy thì tại sao người đời lại thù ghét họ?

Giăng 15:18 – 20 18 Nếu người đời ghét các ngươi, thì hãy biết rằng họ đã ghét ta trước các ngươi. 19 Nếu các ngươi thuộc về thế gian, thì thế gian sẽ yêu kẻ thuộc về mình; nhưng vì các ngươi không thuộc về thế gian, và ta đã chọn lựa các ngươi ra từ thế gian, bởi vậy thế gian ghét các ngươi. 20 Hãy nhớ lời ta đã nói cùng các ngươi: “Nô lệ chẳng lớn hơn chủ mình.” Nếu họ đã bắt bớ ta, họ cũng sẽ bắt bớ các ngươi; nếu họ đã vâng giữ lời ta, họ cũng sẽ vâng giữ lời các ngươi.

Trong đoạn Kinh Thánh này Chúa Giê-su dạy rằng nếu chúng ta quả thực là nô lệ của Chúa thì người đời hẳn thù ghét ta, tại vì họ đã thù ghét Chúa trước tiên. Chúa Giê-su đã lựa chọn chúng ta ra khỏi thế gian này, điều ấy không phải là Chúa kêu gọi ta đi sống ở một nơi xa xôi hẻo lánh để tránh xa người đời! Không phải như vậy! Chúa lựa chọn ta ra khỏi thế gian có nghĩa là Chúa kêu gọi ta đừng có đi theo cuộc sống tội lỗi ý tưởng đồi bại của người đời nữa. Hiện giờ tuy rằng chúng ta vẫn sống trên thế gian này, nhưng ta sống theo lời dạy của Chúa Trời vâng phục ý chỉ của Ngài, cuộc sống của ta khác biệt hẳn với cuộc sống của người đời. Bởi vậy cho dù ta vẫn sống ở thế gian, nhưng ta không thuộc về thế gian nữa, và chính vì vậy mà người đời thù ghét chúng ta. Nếu chúng ta vẫn sống như người đời trên thế gian, thì chúng ta vẫn thuộc về thế gian và người đời sẽ yêu ta.

Nhiều năm về trước khi tôi bắt đầu đi dự buổi lễ thờ phượng Chúa Nhật một cách thường xuyên, hồi đó tôi vẫn chưa phó thác cuộc đời của mình cho Chúa Trời và chưa chịu phép báp-tem, nhưng tôi cảm thấy hội thánh có một lực lượng gì thu hút tôi, tôi thích đi dự các buổi họp của hội thánh. Khi những bạn bè của tôi thấy tình hình này, họ cười nhạo chế giễu tôi, có người còn nói rằng tôi đi nhà thờ là tại vì tôi muốn kết bạn với những người học cao và giàu có v.v.

Nhưng tại sao người đời lại thù ghét Chúa?

Giăng 7:7 7 Thế gian chẳng ghét các ngươi được, nhưng thế gian ghét ta, vì ta làm chứng rằng những việc làm của họ là ác.

Ở đây Chúa Giê-su đang nói cùng các người em của mình trong gia đình. Tại vì chính mấy người em cũng không tin vào lời dạy của Chúa Giê-su, họ tưởng rằng Chúa chỉ muốn nổi danh thôi. Họ nói rằng nếu Chúa muốn được thiên hạ để ý tới thì Chúa hãy làm các phép lạ ở thành Giê-ru-sa-lem, vậy mới có thể nổi danh. Cho nên Chúa trả lời rằng các ngươi muốn đi Giê-ru-sa-lem lúc nào cũng được, tại vì thiên hạ không thù ghét các ngươi; còn ta thì khác, người đời trên thế gian này thù ghét ta tại vì ta làm chứng rằng những việc làm của họ là ác, cho nên ta phải tuân theo hướng dẫn của Chúa Trời mà hành động một cách cẩn thận.

Xin các bạn để ý, Chúa Giê-su không phải sợ chết, nhưng tại vì lúc đó Chúa mới bắt đầu truyền giảng Tin Lành, Chúa còn chưa hoàn tất công việc mà Chúa Trời giao phó cho, cho nên Chúa không muốn chết vào lúc đó. Nhưng một khi Chúa đã hoàn tất công việc của Chúa Trời rồi, Chúa sẽ đi lên Giê-ru-sa-lem tự nguyện chịu chết trên cây Thập Tự để chuộc tội cho người đời.

Nói tóm lại, tại sao người đời lại thù ghét Chúa? Căn cứ theo câu Kinh Thánh Giăng 7:7, ấy là tại vì Chúa chỉ ra những việc làm tội ác của người đời. Thực ra Chúa đã nói rằng chỉ có những kẻ yêu thích lẽ thật mới chịu đến cùng Chúa mà thôi, còn những người ưa thích tội lỗi thì sẽ thù ghét Chúa và tránh xa Chúa.

Giăng 3:19 – 21 19 Đây là sự phán quyết: sự sáng đã đến thế gian, mà người ta ưa sự tối tăm hơn sự sáng, vì việc làm của họ là tội ác. 20 Bởi vì phàm ai làm ác thì ghét sự sáng và không đến cùng sự sáng, sợ rằng việc làm của mình sẽ bị lộ ra. 21 Nhưng kẻ nào làm theo lẽ thật thì đến cùng sự sáng, hầu cho các việc của mình được bày tỏ rằng đã làm trong Chúa Trời.

Chúa Giê-su chính là sự sáng của thế gian, Chúa đã đến vào thế gian này, nhưng những người ưa thích tội lỗi thì ghét sự sáng, họ không chịu đến cùng sự sáng, tại vì khi họ đến gần sự sáng thì tất cả những tội lỗi của họ sẽ bị lộ ra dưới ánh sáng. Bởi vậy những người ưa thích tội lỗi thì cũng ưa thích tối tăm. Khi Chúa Giê-su rao truyền Tin Lành kêu gọi người đời phải ăn năn hối cải thì những người ưa thích tội lỗi thấy bực bội khó chịu lắm, họ thù ghét Chúa và tránh xa Chúa.

Ngược lại những người ham mộ lẽ thật thì ưa thích đến cùng sự sáng, bởi vì nhờ có ánh sáng họ mới có thể thấy rõ tội lỗi của mình, rồi họ mới có thể ăn năn hối cải. Khi những người ham mộ lẽ thật lắng nghe Chúa chỉ trích tội lỗi của thế gian và giảng dạy những điều công nghĩa thì họ thấy rõ việc làm của mình là tội lỗi, rồi họ mới có thể ăn năn hối cải.

Nói tóm lại, qua những đoạn Kinh Thánh trên ta thấy rằng nếu ta đi theo đường lối của Chúa Trời, ta không theo nếp sống của thế gian, thì người đời sẽ thù ghét ta. Nếu ta rao truyền Tin Lành của Chúa Trời, khuyên bảo người đời phải ăn năn hối cải tin vào Chúa Giê-su thì họ thù ghét ta càng nhiều hơn. Chỉ có những kẻ yêu thích lẽ thật mới yêu thích ta.

Chúng Ta Phải Nhờ Cậy Vào Quyền Năng Của Chúa Trời Mới Có Thể Đứng Vững Trong Sự Bắt Bớ

Làm sao mà chúng ta có thể đứng vững trong sự bắt bớ và còn hân hoan vui mừng nữa? Hỡi các bạn ơi, chúng ta không bao giờ đứng vững được trong sự bắt bớ nếu ta chỉ dựa vào khả năng của mình. Chỉ khi chúng ta nhờ cậy vào quyền năng của Chúa Trời thì chúng ta mới có thể đứng vững trong sự bắt bớ.

Chồng tôi và tôi đi truyền giảng Tin Lành đã hơn hai mươi năm. Trong những năm phụng sự Chúa Trời, tôi từng bị người ta mắng nhiếc, cười nhạo, vu cáo. Cho dù những chuyện tôi từng trải thì không ra gì cả khi so với kinh lịch của các đầy tớ trung tín của Chúa Trời, nhưng khi tôi nhìn lại những kinh lịch trong hai mươi mấy năm nay, tôi rất ngạc nhiên thấy rằng mình có thể chịu đựng sự bắt bớ của người đời, và nhất là khi sự bắt bớ là đến từ Tín Đồ Cơ Đốc, ấy mới là điều đau lòng vô cùng. Tôi chẳng những có thể vượt qua những sự bắt bớ, và tôi còn có thể yêu thương những kẻ bắt bớ tôi nữa. Ấy không phải là tại vì tôi thông minh tài giỏi hay là tôi có khả năng đặc biết, ấy là tại vì quyền năng vĩ đại của Chúa Trời trợ giúp tôi.

Chúa Trời rất vui lòng giúp đỡ ta, nhưng vấn đề là ở về phần ta, chúng ta có quyết tâm chịu đựng bắt bớ vì cớ của Chúa Giê-su không? Nếu chúng ta sợ hãi không muốn chịu bắt bớ thì ta chỉ muốn Chúa Trời bảo hộ ta khỏi bị đau khổ thôi, và ta không cầu xin Ngài giúp đỡ ta chịu đựng bắt bớ. Như vậy thì ta hẳn không kinh lịch quyền năng trợ giúp của Chúa Trời trong sự bắt bớ, tại vì chính ta không muốn chịu đựng bắt bớ! Ngược lại, chỉ khi ta quyết tâm chịu đựng đau khổ vì cớ của Chúa Giê-su, rồi ta sẽ cầu xin Chúa Trời giúp ta đứng vững trong sự bắt bớ, vậy trong trường hợp này Ngài sẽ trợ giúp ta bằng quyền năng kỳ diệu của Ngài!

Bởi vậy điểm đầu tiên là thái độ trong lòng ta. Nếu ta không muốn chịu đựng bắt bớ thì ta sẽ không đứng vững trong sự bắt bớ. Ngược lại nếu ta quyết tâm chịu đựng bắt bớ vì cớ của Chúa Giê-su thì Chúa Trời Gia-vê sẽ giúp đỡ ta.

Ngoài một thái độ chính xác, ta còn phải chủ động tích cực nữa. Khi sự bắt bớ đến, thì ta sẵn sàng chịu khổ, rồi quyền năng của Chúa Trời sẽ đến để giúp ta đứng vững trong cơn hoạn nạn. Chúng ta không phải cứ ngồi chờ đợi quyền năng của Chúa Trời đến, khi ta cảm thấy vững mạnh, rồi ta mới dần dần đứng lên để chịu đựng bắt bớ; ai nghĩ như vậy thì sẽ không bao giờ kinh lịch quyền năng của Ngài.

Vậy ai có thể làm được những chuyện này? Chỉ có những kẻ có tâm hồn đã được Chúa Trời biến hóa mới có thể làm được những chuyện này.

Ma-thi-ơ 13:20 – 21 20 Người nào chịu lấy hột giống nơi đất đá sỏi, tức là kẻ nghe đạo rồi liền vui mừng nhận lấy; 21 nhưng trong lòng của người không có rễ, chỉ tạm thời mà thôi, đến khi vì đạo mà gặp cực khổ hay bắt bớ, thì người vấp ngã liền.

Đoạn Kinh Thánh này là lời dạy của Chúa Giê-su. Chúa dạy rằng cho dù ta nhận lấy đạo lý của Chúa Trời, nhưng nếu ta không có gốc rễ, thì niềm tin của ta không được vững bền, đến khi vì đạo lý mà gặp cực khổ hay bắt bớ, thì ta sẽ vấp ngã liền. Vậy lời của Chúa Trời bén rễ trong lòng ta có nghĩa là gì?

Thi Thiên 1:1 – 3 1 Phước cho kẻ chẳng theo mưu kế của kẻ dữ, chẳng đứng trong đường lối của tội nhân, chẳng ngồi trong chỗ của kẻ nhạo báng; 2 Nhưng người vui thích Luật Pháp của Gia-vê, và người suy ngẫm Luật Pháp của Ngài ngày và đêm. 3 Người ấy sẽ như cây trồng bên dòng nước, sinh hoa quả đúng mùa, và lá chẳng tàn héo. Mọi việc người làm đều sẽ thịnh vượng.

Trong đoạn thơ này thi nhân mô tả một người vui thích Luật Pháp của Chúa Trời Gia-vê, người này suy ngẫm về Luật Pháp ngày và đêm. Rồi thi nhân so sánh một người như vậy là tựa như cây cối trồng bên dòng nước, tại vì rễ cây có thể thu hút nước sông để nuôi dưỡng cây đó, cho nên lá cây chẳng tàn héo và sinh hoa quả đúng mùa. Người ấy làm bất cứ việc gì đều thịnh vượng.

Lời của Chúa Trời bén rễ trong lòng của một người có nghĩa là lời của Ngài biến hóa tâm hồn của người ấy, tương tự như nước sông nhờ rễ cây mà đi vào trong thân cây để nuôi dưỡng cây đó. Nhưng cây đó phải bén rễ trong đất rồi mới có thể thu hút nước sông, mà muốn bén rễ thì cần thời gian. Tương tự như vậy người này phải học tập và thực hành Luật Pháp của Chúa Trời rồi người mới có thể suy ngẫm ngày và đêm, nếu người không hiểu biết gì hết thì chẳng có cái gì mà suy ngẫm cả, phải không? (Xin đọc bài giảng “Ví Dụ Của Người Gieo Giống (1)” )

Bây giờ tôi tóm tắt lại những điểm ở trên. Hàng ngày chúng ta phải học tập và thực hành lời của Chúa Trời. Ta học tập thực hành lời của Ngài càng nhiều thì đạo lý của Ngài càng đi sâu vào trong lòng ta và biến hóa tâm hồn ta. Như vậy tâm linh của ta trở nên càng ngày càng gần gủi với tâm linh của Chúa Trời, cho nên ta vui lòng chịu khổ vì sự công nghĩa. Khi ta có một thái độ chính xác, một khi sự bắt bớ đến, ta sẵn sàng chịu khổ và ta cầu xin Chúa Trời giúp đỡ, rồi quyền năng kỳ diệu của Ngài sẽ đến giúp ta đứng vững trong cơn bắt bớ vậy.

Sự Đồng Tại Của Chúa Giê-su Khiến Chúng Ta Hân Hoan Vui Mừng Trong Cơn Hoạn Nạn

Hơn nữa khi chúng ta chịu khổ vì cớ của Chúa Giê-su thì Chúa cũng chịu khổ cùng một lượt với ta, chúng ta không phải chịu khổ một mình đâu.

Công Vụ Các Sứ Đồ 22: 7 – 8 7 Tôi té xuống đất, và nghe có tiếng nói cùng tôi rằng: “Hỡi Sau-lơ, Sau-lơ, tại sao ngươi bắt bớ ta?” 8 Tôi trả lời rằng: “Lạy Chúa, Chúa là ai?” Tiếng nói rằng: “Ta là Giê-su người Na-xa-rét mà ngươi đang bắt bớ đây.”

Đây là lời làm chứng của sứ đồ Phao-lô. Trước khi Phao-lô trở thành Tín Đồ Cơ Đốc, người vốn là một người Pha-ri-si. Pha-ri-si là một nhóm người trong Đạo Do Thái, họ tự cho mình là công nghĩa thánh sạch, họ rất nhiệt thành tuân theo những điều lệ trong Luật Pháp của Kinh Thánh. Lúc đó tên của sứ đồ là Sau-lơ, người đã bắt bớ các Tín Đồ Cơ Đốc rất khủng khiếp. Một hôm khi Sau-lơ đang đi trên con đường đến gần thành phố Đa-mách, bỗng có ánh sáng lớn từ trên trời giáng xuống và soi sáng xung quanh người. Sau-lơ bị té xuống đất, người nghe có tiếng nói cùng người rằng: “Hỡi Sau-lơ, Sau-lơ, tại sao ngươi bắt bớ ta?” Sau-lơ bèn hỏi rằng: “Lạy Chúa, Chúa là ai?” Và tiếng nói rằng: “Ta là Giê-su người Na-xa-rét mà ngươi đang bắt bớ đây.” Ấy chính là Chúa Giê-su đã hiện ra trong một ánh sáng lớn để nói cùng Sau-lơ.

Xin các bạn để ý, Chúa Giê-su nói rằng Sau-lơ đang bắt bớ Chúa. Nhưng lúc đó Chúa đã thăng lên trời rồi, Chúa đang ngồi ở bên hữu của Chúa Trời Gia-vê, Chúa không còn ở thế gian này nữa, làm sao mà Sau-lơ có thể bắt bớ Chúa được? Nhưng Sau-lơ lúc đó đang bắt bớ các anh chị em Tín Đồ Cơ Đốc, mà Chúa rất yêu quí các anh chị em của mình, khi họ bị bắt bớ chịu khổ nạn thì Chúa rất đau lòng, Chúa cũng chịu khổ cùng một lượt với họ. Tình hình này có thể so sánh với tình thương giữa ba má và con cái. Khi người con chịu khổ, thì ba má rất đau buồn, ba má cảm thấy mình cũng chịu khổ cùng với con vậy.

Sau khi Chúa Giê-su nói cùng Sau-lơ trong một ánh sáng lớn thì Sau-lơ bị mù mắt. Rồi người ta dắt Sau-lơ đi vào thành phố Đa-mách. Chúa Giê-su khải thị cho một người Tín Đồ Cơ Đốc A-na-nia trong thành phố đó đi chữa bịnh mù của Sau-lơ. A-na-nia tìm được Sau-lơ và cầu nguyện cho người, rồi mắt của người được lành. Sau đó A-na-nia làm phép báp-tem cho Sau-lơ. Về sau Sau-lơ đổi tên mình thành ra Phao-lô, và người suốt đời hết lòng hết sức truyền giảng Tin Lành của Chúa Trời.

Nói tóm lại, qua đoạn Kinh Thánh trên cho ta thấy rằng khi ta chịu bắt bớ vì cớ của Chúa Giê-su thì Chúa Giê-su cũng chịu khổ cùng một lượt với ta. (Xin đọc bài giảng “Bài Làm Chứng Của Bà Mục Sự Châu Huệ Hiền (4)” nói về kinh lịch kỳ diệu của tôi khi tôi bị người khác vu cáo). Chính là sự đồng tại của Chúa Giê-su khiến lòng ta tràn đầy bình yên vui mừng trong cơn hoạn nạn.

Kết Luận

Hôm nay chúng ta đã tra khảo Ma-thi-ơ 5: 10 – 12, Chúa Giê-su dạy rằng những kẻ chịu bắt bớ vì sự công nghĩa thì có phước lắm bởi vì vương quốc Thiên Đàng là ở trong lòng họ! Khi chúng ta bị người khác bắt bớ, mắng nhiếc và vu cáo vì cớ của Chúa thì ta nên hân hoan mừng rỡ, bởi vì phần thưởng của ta ở trên trời thì lớn lắm.

Chúng ta không bao giờ có thể chịu đựng sự bắt bớ bằng khả năng của mình, chỉ khi chúng ta nhờ cậy vào quyền năng của Chúa Trời thì chúng ta mới có thể đứng vững trong sự bắt bớ.

Hàng ngày chúng ta phải học tập và thực hành lời của Chúa Trời, thì lời của Ngài sẽ ăn sâu vào trong lòng ta và biến hóa tâm hồn của ta, cho nên ta vui lòng chịu bắt bớ. Nếu chúng ta quyết tâm chịu khổ vì cớ của Chúa, thì một khi sự bắt bớ đến, ta cầu xin Chúa Trời giúp đỡ, rồi Ngài sẽ ban quyền năng giúp ta đứng vững trong sự bắt bớ.

Hiện bây giờ nếu ta sống theo lời dạy của Chúa Trời thì ta đã kinh lịch sự bắt bớ của người đời, nhưng vào ngày sau cùng sự bắt bớ sẽ càng mãnh liệt hơn nhiều. Nếu không nhờ vào ân điển của Chúa Trời thì không ai đứng vững được.

Chồng tôi và tôi vui lòng và quyết tâm chịu bắt bớ vì cớ của Chúa Giê-su, còn các bạn có vui lòng chịu bắt bớ vì cớ của Chúa không?

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church