You are here

Tin Lành Theo Ma-thi-ơ (15)

Tin Lành Theo Ma-thi-ơ (15)

Chúa Giê-su Đến Để Làm Trọn Vẹn Luật Pháp Và Lời Tiên Tri

Ma-thi-ơ 5:17 – 20

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Tám Đức Tính Trong Ma-thi-ơ 5:3 – 12 Là Điều Kiện Để Trở Thành “Muối Của Đất” Và “Sự Sáng Của Thế Gian”

Kỳ trước chúng ta đã học xong tám phước lành trong đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 5:3 – 12.

Xin các bạn để ý, Chúa Giê-su không phải dạy rằng tám hạng người này có tám đức tính khác nhau thì được hưởng tám phước lành khác nhau, người này có đức tính A thì được ban cho phước lành A, người kia có đức tính B thì được ban cho phước lành B. Không phải như vậy đâu, hỡi các bạn ơi. Tám phước lành này là dính liền với nhau và đều được bao gồm trong ơn cứu chuộc, khi ta được cứu chuộc thì ta được cả tám phước lành. Đồng thời tám đức tính này cũng tương đương với nhau, chứ không phải là tám hạng người có tám đức tính khác nhau. Hết thảy tám đức tính đó đều nằm trong trong một đức tính chung là trung tín vâng phục. Những người trung tín vâng phục Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su Christ thì được ban cho ơn cứu chuộc, trong ơn cứu chuộc thì gồm cả tám phước lành. Ngược lại những kẻ không trung tín vâng phục Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su Christ thì không được ơn cứu chuộc, và họ cũng không được phước lành nào cả.

Trong đoạn Kinh Thánh kế tiếp Ma-thi-ơ 5:13 – 16, Chúa Giê-su dạy rằng Tín Đồ Cơ Đốc là muối của đất và sự sáng của thế gian. Chỉ khi cuộc sống của chúng ta có tám đức tính liệt ra trong Ma-thi-ơ 5:3 – 12 thì chúng ta mới có thể trở thành “muối của đất” và “sự sáng của thế gian” (xin đọc 2 bài giảng “Muối Của Đất” và “Sự Sáng Của Thế Gian” để biết rõ ý nghĩa của hai danh hiệu này). Nếu chúng ta bỏ qua tám đức tính trong Ma-thi-ơ 5:3 – 12 thì chúng ta không thể nào trở thành “muối của đất” và “sự sáng của thế gian” được.

Chúa Giê-su Đến Để Làm Trọn Vẹn Luật Pháp Và Lời Tiên Tri

Hôm nay chúng ta tra khảo đoạn Kinh Thánh kế tiếp.

Ma-thi-ơ 5:17 – 20 17 “Các ngươi đừng tưởng rằng ta đến để hủy bỏ Luật Pháp hay lời tiên tri; Ta đến không phải để hủy bỏ nhưng để làm cho trọn vẹn. 18 Vì ta nói thật cùng các ngươi: Mãi đến khi trời đất đều qua đi, mà một chấm một nét trong Luật Pháp cũng không qua đi được cho đến khi mọi sự được thành tựu. 19 Vậy ai phá hủy một điều nhỏ nhất trong các điều răn này và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là nhỏ nhất trong vương quốc Thiên Đàng. Còn ai vâng giữ các điều răn này và dạy người khác làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong vương quốc Thiên Đàng. 20 Vì ta nói cho các ngươi rằng, nếu sự công nghĩa của các ngươi không hơn sự công nghĩa của các thầy dạy Luật và người Pha-ri-si, thì các ngươi sẽ không vào vương quốc Thiên Đàng được.”

Chúa Giê-su chỉ ra tầm quan trọng của Luật Pháp và lời tiên tri, Chúa đến không phải để hủy bỏ Luật Pháp và lời tiên tri, nhưng để làm cho trọn vẹn. Chúa còn dạy rằng nếu chúng ta muốn được vào vương quốc Thiên Đàng thì sự công nghĩa của ta phải hơn sự công nghĩa của các thầy dạy Luật và người Pha-ri-si.

Chúa Giê-su làm trọn vẹn Luật Pháp và lời tiên tri bằng cách nào? Nếu Luật Pháp là không bao giờ qua đi được cho đến khi mọi sự được thành tựu, vậy có phải là ngày nay chúng ta vẫn còn phải vâng giữ những điều lệ trong Luật Pháp chăng? Chúng ta phải làm gì để cho sự công nghĩa của ta hơn sự công nghĩa của các thầy dạy Luật và người Pha-ri-si?

Bây giờ chúng ta đi tìm giải đáp cho các câu hỏi này từng bước một.

Chúa Giê-su Không Phải Hủy Bỏ Luật Pháp Hay Lời Tiên Tri

Chúa Giê-su nói rằng Chúa đến không phải để hủy bỏ Luật Pháp hay lời tiên tri, nhưng để làm cho trọn vẹn.

Luật Pháp là do Chúa Trời ban cho người dân Do Thái. Năm quyển sách đầu tiên của Cựu Ước: Sáng Thế Ký, Xuất Ê-díp-tô Ký, Lê-vi Ký, Dân Số Ký và Phục Truyền Luật Lệ Ký chính là phần Luật Pháp. Còn lời tiên tri là lời dạy của các nhà tiên tri trong Cựu Ước. Phần Luật Pháp và lời tiên tri được người Do Thái coi là lời dạy quan trọng nhất của Chúa Trời.

Trong thời của Chúa Giê-su, ở nước Y-sơ-ra-ên có những thầy dạy Luật Pháp và những người học giả thuộc nhóm Pha-ri-si, họ chuyên môn nghiên cứu và giải thích Luật Pháp trong Kinh Thánh. Những điều họ giảng dạy đều là từ Luật Pháp mà ra, họ rất chú trọng về những điều lệ cai quản đời sống hàng ngày và hành vi của con người. Nhưng lời dạy của Chúa Giê-su thì khác hẳn với lời dạy của họ, Chúa chú trọng về tâm linh của con người hơn những hành vi bề ngoài. Người Do Thái chưa từng nghe người nào giảng dạy như Chúa Giê-su vậy, cho nên có nhiều người nghĩ rằng Chúa muốn hủy bỏ Luật Pháp của Chúa Trời và lời dạy của các nhà tiên tri. Bởi vậy Chúa tuyên bố một cách khẳn định rằng Chúa đến không phải để hủy bỏ Luật Pháp hay lời tiên tri, nhưng để làm cho trọn vẹn.

Chúa Giê-su làm trọn vẹn Luật Pháp và lời tiên tri bằng cách nào?

Việc làm trọn vẹn Luật Pháp và lời tiên tri gồm có hai phương diện:

  • Khi Chúa Giê-su xuất hiện thì hết thảy lời tiên tri báo trước về đấng Cứu Thế được ứng nghiệm hoàn toàn.
  • Chúa Giê-su làm trọn vẹn ý nghĩa thuộc linh của Luật Pháp và lời tiên tri.

Bây giờ chúng ta sẽ học tập về hai phương diện này.

Hết Thảy Lời Tiên Tri Báo Trước Về Đấng Cứu Thế Được Ứng Nghiệm Hoàn Toàn

Trong Cựu Ước của Kinh Thánh có rất nhiều lời tiên tri báo trước rằng một đấng Cứu Thế sẽ xuất hiện, đấng ấy do Chúa Trời Đức Gia-vê sai đến để cứu vớt người dân Y-sơ-ra-ên.

Bảy thế kỷ (700 năm) trước khi Chúa Giê-su ra đời thì nhà tiên tri Mi-chê đã báo trước rằng một lãnh tụ của nước Y-sơ-ra-ên sẽ ra từ Bết-lê-hem.

Mi-chê 5:2 2 Còn ngươi, hỡi Bết-lê-hem Ép-ra-ta, ngươi thật nhỏ trong các thị tộc của Giu-đa, từ nơi ngươi sẽ ra cho ta một người cai trị trong Y-sơ-ra-ên, gốc tích của người từ thời trước, từ ngày xa xưa.

Trong Ma-thi-ơ chương 2, khi các nhà chiêm tinh đến thành Giê-ru-sa-lem để tìm kiếm vị vua mới sinh của dân Giu-đa, vua Hê-rốt muốn biết rõ đấng Christ sẽ sinh tại đâu, các thầy tế lễ cả và các thầy dạy Luật trích dẫn lời tiên tri trong Mi-chê 5:2 ở trên mà tâu cho vua rằng: “Tại Bết-lê-hem.”

Ma-thi-ơ 2:4 – 6 4 Vua bèn nhóm các thầy tế lễ cả và các thầy dạy Luật trong dân chúng lại mà tra hỏi rằng: “Đấng Christ phải sinh tại đâu?” 5 Họ tâu rằng: “Tại Bết-lê-hem, xứ Giu-đê; tại vì có lời của đấng tiên tri chép như vầy: 6 ‘Hỡi Bết-lê-hem, đất Giu-đa! Thật ra ngươi chẳng có thua kém các người lãnh đạo của xứ Giu-đa đâu, vì từ ngươi sẽ ra một lãnh tụ, là đấng chăn giữ dân ta Y-sơ-ra-ên.’”

(Xin đọc bài giảng “Các Thầy Chiêm Tinh Đến Từ Đông Phương Và Cuộc Chạy Trốn Qua Ê-díp-tô” để biết rõ những chi tiết.)

Hơn sáu trăm năm trước khi Chúa Giê-su ra đời thì nhà tiên tri Ê-sai đã báo trước rằng một cô gái đồng trinh sẽ chịu thai và sinh một con trai.

Ê-sai 7:14 14 Vậy, chính Chúa sẽ cho các ngươi một dấu hiệu: Nầy, một gái đồng trinh sẽ mang thai, sinh một con trai và đặt tên là Em-ma-nu-ên.

Khi mẹ của Chúa Giê-su là Ma-ri, một cô gái đồng trinh mang thai thì lời tiên tri này được ứng nghiệm hoàn toàn.

Ma-thi-ơ 1: 18 – 23 18 Vả, sự ra đời của Chúa Giê-su Christ đã xảy ra như vầy: Ma-ri, mẹ Chúa, đã hứa gả cho Giô-sép, nhưng chưa ăn ở cùng nhau, thì người đã chịu thai bởi Thánh Linh. 19 Giô-sép, chồng của người, là một người công nghĩa, chẳng muốn cho người mang xấu, bèn định ly dị người một cách kín đáo. 20 Nhưng đang ngẫm nghĩ về việc ấy, thì thiên sứ của Chúa hiện đến cùng Giô-sép trong giấc chiêm bao mà phán rằng: “Hỡi Giô-sép, con cháu Đa-vít, ngươi chớ ngại lấy Ma-ri làm vợ, vì con mà người chịu thai đó là bởi Thánh Linh. 21 Người sẽ sinh một trai, ngươi hãy đặt tên là Giê-su, vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội lỗi. 22 Mọi việc đã xảy ra như vậy để cho ứng nghiệm lời Chúa đã dùng đấng tiên tri mà phán rằng: 23 ‘Nầy, một gái đồng trinh sẽ chịu thai, và sinh một con trai, rồi người ta sẽ đặt tên con trai đó là Em-ma-nu-ên, có nghĩa là: Chúa Trời ở cùng chúng ta.’”

(Xin đọc bài giảng “Gia Phổ Và Sự Giáng Sinh của Chúa Giê-su Christ” để biết rõ các chi tiết).

Ngoài ra còn có nhiều đoạn Kinh Thánh khác trong Cựu Ước đã báo trước về đấng Cứu Thế này. Cho nên người dân Y-sơ-ra-ên từ thế hệ này sang thế hệ khác cứ kiên nhẫn chờ đợi đấng Cứu Thế xuất hiện. Đến thời của Chúa Giê-su thì dân tộc Do Thái đã mất đi chủ quyền từ lâu rồi, nhưng họ vẫn có một niềm hy vọng trong lòng là đấng Cứu Thế sẽ đến cứu vớt họ.

Nói tóm lại, khi Chúa Giê-su ra đời thì tất cả những lời tiên tri về đấng Cứu Thế đã được ứng nghiệm hoàn toàn. Ấy là phương diện thứ nhất của việc làm trọn vẹn Luật Pháp và lời tiên tri.

Làm Trọn Vẹn Ý Nghĩa Thuộc Linh Của Luật Pháp

Phương diện thứ hai là Chúa Giê-su làm trọn vẹn ý nghĩa thuộc linh của Luật Pháp.

Trong Luật Pháp có rất nhiều điều lệ, những điều lệ này cai quản nhiều phương diện khác nhau trong đời sống của người Do Thái. Những thầy dạy Luật và người Pha-ri-si dạy rằng nếu dân chúng làm theo đúng những điều lệ này hàng ngày, thì họ đã vâng giữ Luật Pháp của Chúa Trời.

Nhưng Chúa Trời ban Luật Pháp cho người Do Thái không phải chỉ là để cai quản những hành vi bề ngoài thôi. Những điều lệ trong Luật Pháp còn mang một ý nghĩa sâu xa thuộc linh. Vâng giữ những điều lệ này chỉ là bước đầu tiên thôi, rồi từ đó người Do Thái phải đi lên trình độ cao hơn tức là vâng giữ ý nghĩa thuộc linh của Luật Pháp.

Nhưng ý nghĩa thuộc linh của Luật Pháp là cái gì?

Ma-thi-ơ 22:35 – 40 35 Có một thầy dạy Luật trong nhóm ấy hỏi câu này để thử Chúa: 36 “Thưa thầy, trong Luật Pháp điều răn nào là lớn hơn hết?” 37 Chúa Giê-su đáp rằng: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa là Chúa Trời ngươi. 38 Ấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết. 39 Còn điều răn thứ hai cũng như vậy: Ngươi hãy yêu thương người lân cận như mình. 40 Hết thảy Luật Pháp và lời tiên tri đều dựa vào hai điều răn này mà ra.”

Chúa Giê-su dạy rằng điều răn lớn nhất là: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa là Chúa Trời ngươi” và điều răn thứ hai là: “Ngươi hãy yêu thương người lân cận như mình”. Hơn nữa Chúa Giê-su còn dạy rằng: “Hết thảy Luật Pháp và lời tiên tri đều dựa vào hai điều răn này mà ra”. Bởi vậy hai điều răn này chính là ý nghĩa thuộc linh của Luật Pháp và lời tiên tri.

Ga-la-ti 5:14 14 Vì toàn bộ Luật Pháp được nên trọn vẹn trong một lời này: “Ngươi hãy yêu thương kẻ lân cận như mình.”

Rô-ma 13:8 – 9 8 đừng mắc nợ ai chi hết ngoại trừ món nợ yêu thương nhau, vì ai yêu thương người lân cận mình là làm trọn vẹn Luật Pháp. 9 Vì các điều răn này: “Ngươi chớ phạm tội tà dâm, chớ giết người, chớ trộm cướp, chớ tham lam”, và các điều răn nào khác đều tóm lược trong một lời nầy: “Ngươi phải yêu thương người lân cận như mình.”

Hai đoạn Kinh Thánh trên Ga-la-ti 5:14 và Rô-ma 13:8 – 9 đều dạy rằng yêu thương người lân cận như mình là làm trọn vẹn Luật Pháp.

(Xin đọc 3 bài giảng “Hết Lòng, Hết Linh Hồn, Hết Sức, Hết Trí Mà Kính Mến Gia-vê Chúa Trời Người”, “Yêu Thương Người Lân Cận Như Mình (1)” và “Yêu Thương Người Lân Cận Như Mình (2)” để hiểu rõ ý nghĩa của hai điều răn này).

Nói tóm lại, hết thảy Luật Pháp và lời tiên tri đều dựa vào hai điều răn quan trọng nhất này, bởi vậy hai điều răn này chính là ý nghĩa thuộc linh của Luật Pháp và lời tiên tri.

Chúa Giê-su Sống Một Cuộc Sống Vâng Giữ Hoàn Toàn Trọn Vẹn Hai Điều Răn Quan Trọng Nhất Này

Chúa Giê-su chẳng những chỉ là dạy bảo chúng ta phải hết lòng, hết sức mà yêu mến Chúa Trời Gia-vê và yêu thương người lân cận như mình, và đồng thời Chúa cũng sống một cuộc sống vâng giữ hai điều răn này hoàn toàn trọn vẹn.

Giăng 10:14 – 15 14 Ta là người chăn chiên hiền lành, ta nhận biết chiên ta, và chiên ta nhận biết ta, 15 cũng như Cha nhận biết ta và ta nhận biết Cha vậy, ta từ bỏ sự sống mình vì bày chiên.

Chúa Giê-su chính là người chăn chiên hiền lành, Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta là bày chiên. Chúa vui lòng từ bỏ sự sống của mình để cứu chuộc chúng ta.

Giăng 10:18 18 Không ai lấy sự sống ta đi, nhưng ta tự ý từ bỏ. Ta có quyền từ bỏ sự sống và ta có quyền lấy lại. Ta đã nhận mệnh lệnh này từ Cha ta.

Chúa Giê-su đã nhận từ Đức Cha cái mệnh lệnh là từ bỏ sự sống mình để cứu chuộc loài người. Chúa tự ý từ bỏ sự sống vì lòng kính mên Đức Cha và lòng thương xót cho chúng ta.

Lu-ca 22:31 – 34 31 “Hỡi Si-môn, Si-môn, này quỉ Sa-tan đã đòi sàng sảy các ngươi như lúa mì. 32 Nhưng ta đã cầu nguyện cho ngươi hầu cho đức tin ngươi không bị mất. Và một khi ngươi đã trở về, hãy làm cho anh em mình vững mạnh.” 33 Phi-e-rơ thưa rằng: “Thưa Chúa, tôi sẵn lòng đi theo Chúa, đồng tù đồng chết.” 34 Chúa Giê-su đáp rằng: “Hỡi Phi-e-rơ, ta nói cùng ngươi, hôm nay khi gà chưa gáy, ngươi sẽ ba lần chối không biết ta.”

Chúa Giê-su biết trước rằng Phi-e-rơ sẽ ba lần chối không biết mình, nhưng Chúa vẫn yêu thương người, cho nên Chúa cảnh cáo người và Chúa còn cầu nguyện cho người hầu cho đức tin của người không bị mất.

Mác 14:35 – 36 35 Chúa đi xa hơn một chút, sấp mình xuống đất mà cầu xin cho giờ ấy qua khỏi mình, nếu có thể được. 36 Chúa nói rằng: “A-ba, Cha, Cha có thể làm được mọi sự, xin cất chén này khỏi con; nhưng không theo ý con, mà theo ý Cha.”

Trước khi bị bắt, Chúa Giê-su cầu nguyện xin Đức Cha cho giờ ấy qua khỏi mình, nhưng Chúa vui lòng vâng phục ý chỉ của Cha, Chúa không làm việc theo ý riêng của mình.

Lu-ca 23:34 34 Chúa Giê-su cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin tha thứ cho họ, vì họ không biết mình đang làm gì!” Họ bắt thăm chia áo xống của Chúa.

Khi Chúa Giê-su đã bị đóng đinh trên thập giá rồi, Chúa yêu thương cả những người lập mưu để giết hại mình và Chúa cầu nguyện cho họ.

Qua những đoạn Kinh Thánh trên: Giăng 10:14 – 15, Giăng 10:18, Lu-ca 22:31 – 34, Mác 14:35 – 36, Lu-ca 23:34, chúng ta thấy rằng Chúa Giê-su chẳng những chỉ dạy dỗ hai điều răn quan trọng nhất trong Luật Pháp, chính Chúa luôn luôn vâng giữ hai điều răn này một cách hoàn toàn, Chúa đã hết lòng, hết sức mà kính mến Chúa Trời Gia-vê và yêu thương người lân cận như mình. Ở phần trên tôi đã giải thích rằng Luật Pháp và lời tiên tri đều dựa vào hai điều răn này, cho nên Chúa Giê-su quả thật đã làm trọn vẹn Luật Pháp và lời tiên tri.

Trời Đất Đều Qua Đi

Sau khi Chúa tuyên bố rằng mình đến không phải để hủy bỏ Luật Pháp và lời tiên tri, nhưng để làm cho trọn vẹn, rồi Chúa lại nói tiếp rằng: “Mãi đến khi trời đất đều qua đi, mà một chấm một nét trong Luật Pháp cũng không qua đi được cho đến khi mọi sự được thành tựu.”

“Trời đất đều qua đi” có nghĩa là gì?

Kinh Thánh dạy rằng trong tương lai trời đất này đều sẽ bị hủy diệt, trời đất này không có tồn tại mãi mãi đâu, nhưng sẽ có trời mới đất mới.

2 Phi-e-rơ 3:12 – 13 12 trong khi chờ đợi và đẩy nhanh ngày của Chúa Trời mau đến, là ngày các tầng trời sẽ bị đốt mà tiêu tan, các nguyên tố sẽ bị thiêu mà tan chảy đi ! 13 Nhưng theo lời hứa của Ngài, chúng ta chờ đợi trời mới đất mới, là nơi sự công nghĩa ăn ở.

Ngày Chúa Trời tức là Ngày Phán Xét. Vào Ngày Phán Xét, Chúa Giê-su sẽ phán xét tất cả mọi người đã từng sống trên thế gian này; Những người tội lỗi thì sẽ bị trừng phạt trong lửa hừng của địa ngục, còn những người công nghĩa thì sẽ được ban cho sự sống đời đời ở vương quốc Thiên Đàng.

Chính là vào Ngày Chúa Trời tức là Ngày Phán Xét, thì các tầng trời và các nguyên tố đều bị đốt cháy tiêu tan. Nhưng Chúa Trời Đức Gia-vê hứa rằng sẽ có trời mới đất mới, mà trời mới đất mới này là nơi sự công nghĩa ăn ở. Chỉ có những kẻ công nghĩa mới được ở trong trời mới đất mới, còn những kẻ không công nghĩa thì không được ở trong trời mới đất mới này.

Nếu chúng ta muốn được ở trong trời mới đất mới thì chúng ta phải là người công nghĩa. Chính Chúa Giê-su dạy rằng: “nếu sự công nghĩa của các ngươi không hơn sự công nghĩa của các thầy dạy Luật và người Pha-ri-si, thì các ngươi sẽ không vào vương quốc Thiên Đàng được.” (câu Ma-thi-ơ 5:20 ở trên)

Sự Công Nghĩa Của Các Thầy Dạy Luật Và Người Pha-ri-si

Các thầy dạy Luật và người Pha-ri-si vâng giữ các điều lệ của Luật Pháp rất cẩn thận. Các bạn có biết căn cứ theo Luật Pháp, định nghĩa của sự công nghĩa là gì?

Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:25 25 Ấy sẽ là sự công nghĩa của chúng ta nếu chúng ta cẩn thận làm theo các điều răn nầy trước mặt Gia-vê Chúa Trời chúng ta, y như Ngài đã mệnh lệnh vậy.

Đây là định nghĩa của sự công nghĩa trong Luật Pháp. Người nào cẩn thẩn làm theo các điều răn trong Luật Pháp thì người ấy sẽ là công nghĩa trước mặt Chúa Trời Gia-vê. Bởi vậy các thầy dạy Luật và người Pha-ri-si dạy bảo người dân Do Thái phải vâng giữ mọi điều răn trong Luật Pháp.

Bây giờ để chúng ta tìm hiểu coi các thầy dạy Luật và người Pha-ri-si đã vâng giữ các điều răn cẩn thận đến dường nào.

Lu-ca 18:12 12 Tôi kiêng ăn mỗi tuần lễ hai lần; tôi hiến dâng một phần mười tất cả thu nhập của tôi.

Đây là lời cầu nguyện của một người Pha-ri-si, người kiêng ăn mỗi tuần lễ hai lần, và còn hiến dâng một phần mười tất cả thu nhập của người.

Trong Luật Pháp không có điều răn qui định người dân Do Thái phải kiêng ăn mỗi tuần lễ hai lần. Luật Pháp chỉ qui định người Do Thái phải kiêng ăn mỗi năm một lần vào ngày Lễ Chuộc Tội, là ngày thứ 10 tháng 7 theo lịch Do Thái. Người Pha-ri-si này còn làm hơn điều lệ của Luật Pháp nữa.

Trong việc hiến dâng một phần mười thu nhập cho Chúa Trời, họ cũng làm một cách rất cẩn thận. Theo điều răn của Luật Pháp thì người Do Thái phải hiến dâng cho Chúa Trời một phần mười số tiền hay vật chất họ kiếm được. Các bạn có biết những người Pha-ri-si đã hiến dâng một phần mười cẩn thận đến dường nào không?

Ma-thi-ơ 23:23 23 Khốn cho các ngươi, thầy dạy Luật và người Pha-ri-si, các ngươi là những kẻ đạo đức giả! Vì các ngươi hiến dâng một phần mười bạc hà, hồi hương, và rau cần, nhưng các ngươi sao lãng những điều quan trọng hơn trong Luật Pháp, ấy là sự công nghĩa, lòng thương xót và trung tín; ấy chính là những điều các ngươi phải làm nhưng cũng không được sao lãng những điều kia.

Trong đoạn Kinh Thánh này Chúa Giê-su khiển trách bọn thầy dạy Luật và người Pha-ri-si là kẻ đạo đức giả. Họ hiến dâng một phần mười bạc hà, hồi hương, và rau cần, nhưng họ lại sao lãng những điều quan trọng hơn, ấy là sự công nghĩa, lòng thương xót và trung tín.

Tai sao họ lại hiến dâng một phần mười bạc hà, hồi hương, và rau cần ?

Điểm này thì rất lý thú. Luật Pháp qui định người Do Thái phải hiến dâng một phần mười thu nhập của họ. Những thầy dạy Luật và người Pha-ri-si đều là giáo sư, đáng lẽ họ hiến dâng một phần mười số tiền thu nhập của họ, nhưng tại sao họ lại hiến dâng một phần mười của bạc hà, hồi hương, và rau cần? Họ đâu phải là người nông dân trồng những món bạc hà, hồi hương, và rau cần?

Ấy là tại vì họ sợ rằng những người nông dân không có hiến dâng một phần mười cho Chúa Trời. Theo lời giải thích của các thầy dạy Luật và người Pha-ri-si, nếu người nông dân không có hiến dâng một phần mười thì hết thảy những sản phẩm của người nông dân đều trở thành ô uế trước mặt Chúa Trời. Các thầy dạy Luật và người Pha-ri-si sợ rằng họ mua trúng những sản phẩm ô uế, cho nên họ bèn hiến dâng một phần mười tất cả những món đồ họ mua từ ngoài chợ.

Bạc hà, hồi hương và rau cần là những món đồ ăn người ta dùng rất ít thôi. Ngay cả những món họ chỉ dùng rất ít mà các thầy dạy Luật và người Pha-ri-si cũng phải hiến dâng một phần mười một cách cẩn thận như vậy.

Nói tóm lại, qua những đoạn Kinh Thánh trên, ta thấy rằng các thầy dạy Luật và người Pha-ri-si đã vâng giữ các điều lệ của Luật Pháp cẩn thận đến dường nào.

Tín Đồ Cơ Đốc Có Cần Phải Vâng Giữ Các Điều Lệ Trong Luật Pháp Không?

Căn cứ theo câu Kinh Thánh Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:25 ở trên, nếu chúng ta cẩn thận vâng giữ các điều răn thì ấy là sự công nghĩa của chúng ta. Luật Pháp chỉ qui định người Do Thái phải kiêng ăn mỗi năm một lần thôi, mà các thầy dạy Luật và người Pha-ri-si kiêng ăn đến mỗi tuần 2 lần! Luật Pháp qui định người dân phải hiến dâng một phần mười thu nhập, nhưng họ hiến dâng cả một phần mười của những món đồ họ mua từ ngoài chợ! Họ làm còn hơn điều lệ của Luật Pháp nữa.

Chúa Giê-su dạy rằng sự công nghĩa của chúng ta phải hơn sự công nghĩa của họ, rồi ta mới được vào vương quốc Thiên Đàng. Làm sao mà sự công nghĩa của ta có thể hơn sự công nghĩa của họ? Vậy thì Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta có cần phải vâng giữ các điều lệ trong Luật Pháp không? Ta chắc phải vâng giữ tất cả lời dạy của Chúa Giê-su, nhưng còn những điều lệ của Luật Pháp thì sao, chúng ta có cần phải vâng giữ không? Các bạn nghĩ sao về vấn đề này?

Hỡi các anh chị em Tín Đồ, chính Chúa Giê-su khiển trách các thầy dạy Luật và người Pha-ri-si rằng họ sao lãng những điều quan trọng hơn trong Luật Pháp, ấy là sự công nghĩa, lòng thương xót và trung tín (căn cứ theo Ma-thi-ơ 23:23 ở trên). Bởi vậy cho dù họ vâng giữ các điều lệ trong Luật Pháp rất cẩn thận, nhưng họ vẫn không làm trọn vẹn Luật Pháp vì họ đã sao lãng sự công nghĩa, lòng thương xót và trung tín.

Hơn nữa, hai điều răn lớn nhất: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa là Chúa Trời ngươi”, và “Ngươi hãy yêu thương người lân cận như mình” chính là ý nghĩa thuộc linh của Luật Pháp (căn cứ theo Ma-thi-ơ 22:35 – 40). Khi chúng ta vâng giữ hai điều răn này thì ta làm trọn vẹn Luật Pháp (căn cứ theo Ga-la-ti 5:14; Rô-ma 13:8 – 9), và sự công nghĩa của ta đã hơn sự công nghĩa của các thầy dạy Luật và người Pha-ri-si rồi!

Ga-la-ti 3:24 – 25 24 Bởi vậy Luật Pháp là tựa như người giám hộ để dẫn chúng ta đến đấng Christ, hầu cho chúng ta bởi đức tin mà được trở nên công nghĩa. 25 Nhưng khi đức tin đã đến thì chúng ta không còn ở dưới người giám hộ nữa.

Đoạn Kinh Thánh này dạy rằng Luật Pháp là tựa như người giám hộ để dẫn chúng ta đến Chúa Giê-su Christ. Khi chúng ta có đức tin vào Chúa thì ta được trở nên công nghĩa, và chúng ta không còn ở dưới người giám hộ, tức là Luật Pháp nữa.

Bởi vậy khi chúng ta vâng phục lời dạy điều răn của Chúa Giê-su thì ta không cần phải vâng giữ những điều lệ của Luật Pháp nữa.

Tôi lấy một thí dụ để giúp các bạn thấy rõ hơn. Khi trẻ con bắt đầu học chữ Việt, họ đều phải học đánh vần cho thiệt khéo, rồi sau này họ mới đọc được chữ Việt. Hồi tôi học lớp 1, cô giáo bảo cả lớp phải đọc lớn tiếng và đánh vần từng chữ một. Sau một vài tháng thì cả lớp đều nắm vững cách đánh vần rồi, lúc đó cô giáo mới bảo chúng tôi cứ đọc một bài học trực tiếp và không cần phải đánh vần nữa.

Tất cả những điều lệ trong Luật Pháp chỉ là dự bị thôi, Chúa Trời Gia-vê ban những điều lệ đó cho dân Y-sơ-ra-ên là để sửa soạn tấm lòng của họ để nhận lấy lời dạy của Chúa Giê-su. Tương tự như học đánh vần là để sửa soạn học sinh để đọc chữ Việt vậy.

Mục đích của đánh vần là để đọc chữ Việt, khi chúng tôi đọc được chữ Việt thì mục đích của đánh vần đã được trọn vẹn rồi, chúng tôi không cần đánh vần từng chữ một nữa. Nhưng chúng tôi không phải hủy bỏ cách đánh vần, thật ra nếu chúng tôi hủy bỏ cách đánh vần thì chúng tôi sẽ không đọc được chữ Việt nào hết.

Tương tự như vậy, mục đích của Luật Pháp là để dẫn chúng ta đến đấng Christ. Khi chúng ta tin vào Chúa Giê-su Christ và vâng giữ lời dạy điều răn của Chúa thì chúng ta không cần phải vâng giữ những điều lệ của Luật Pháp nữa. Nhưng chúng ta không hủy bỏ Luật Pháp.

Rô-ma 9:31 – 32 31 còn dân Y-sơ-ra-ên theo đuổi Luật Pháp của sự công nghĩa, thì không đạt đến Luật Pháp ấy. 32 Tại sao? Tại vì họ chẳng nhờ đức tin mà theo đuổi, nhưng nhờ việc làm. Họ đã vấp phải hòn đá ngăn trở,

Đoạn Kinh Thánh này dạy rằng người Y-sơ-ra-ên theo đuổi Luật Pháp của sự công nghĩa, nhưng họ không đạt đến Luật Pháp ấy, có nghĩa là họ không thể làm trọn vẹn Luật Pháp. Tại sao? Tại vì họ không chịu tin vào Chúa Giê-su Christ, họ nhờ vào khả năng của mình để theo đuổi Luật Pháp, rốt cuộc họ không thể làm trọn vẹn Luật Pháp.

Ga-la-ti 3:11 11 Vả lại, không có ai nhờ Luật Pháp mà được trở nên công nghĩa trước mặt Chúa Trời, đó là điều hiển nhiên, vì “Người công nghĩa sẽ sống bởi đức tin”.

Không ai nhờ Luật Pháp mà được trở nên công nghĩa trước mặt Chúa Trời, tại sao? Tại vì không ai có thể làm trọn vẹn Luật Pháp bằng khả năng của mình. Chỉ khi chúng ta có đức tin thì ta mới có khả năng để làm trọn vẹn Luật Pháp, bởi vậy ta được trở nên công nghĩa.

Nói tóm lại, cho dù các thầy dạy Luật và người Pha-ri-si vâng giữ những điều lệ trong Luật Pháp một cách cẩn thận, nhưng họ vẫn không thể làm trọn vẹn Luật Pháp, tại vì họ không thể vâng giữ hai điều răn quan trọng nhất trong Kinh Thánh bằng khả năng của mình.

Về phần Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta, khi chúng ta có đức tin vào Chúa Trời và Chúa Giê-su Christ, chúng ta được ban cho năng lực để vâng giữ hai điều răn quan trọng nhất trong Kinh Thánh, bởi vậy ta có thể làm trọn vẹn Luật Pháp và được trở nên công nghĩa trước mặt Chúa Trời. Rốt cuộc sự công nghĩa của ta hơn sự công nghĩa của các thầy dạy Luật và người Pha-ri-si.

Kết Luận

Hôm nay chúng ta đã học rằng Chúa Giê-su đến để làm trọn vẹn Luật Pháp và lời tiên tri trong Kinh Thánh:

  • Đầu tiên khi Chúa Giê-su xuất hiện thì tất cả những lời tiên tri báo trước về đấng Cứu Thế đều được ứng nghiệm hoàn toàn.
  • Thứ hai là Chúa Giê-su giảng dạy về lòng yêu thương vâng phục hoàn toàn đối với Chúa Trời Gia-vê và yêu thương người lân cận như mình, hai điểm này chính là làm trọn vẹn Luật Pháp. Chúa Giê-su không phải chỉ giảng dạy như vậy thôi, mà đồng thời Chúa đã sống một cuộc đời yêu thương vâng phục Chúa Trời một cách hoàn toàn và yêu thương người lân cận như mình. Cho nên lời dạy và cuộc sống của Chúa đều làm trọn vẹn Luật Pháp. Sau cùng sự chết của Chúa trên cây thập giá đã thể hiện lòng yêu thương của Chúa đến cao nhất tuyệt vời.

Khi chúng ta tin vào Chúa Giê-su Christ, ta được ban cho khả năng để vâng giữ lời dạy của Chúa Giê-su một cách hoàn toàn, ta noi gương của Chúa sống một cuộc đời yêu thương thì ta cũng làm trọn vẹn Luật Pháp vậy.

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church