You are here

Bài Làm Chứng (10)

Bài Làm Chứng Của Mục Sư Trương Hy Hòa (5)

Tôi Nhận Biết Đức Chúa Trời Như Thế Nào


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Tiếp Tục Việc Học Tập Tại Đại Học Luân Đôn

Khi tôi rời Ê-cốt, một trong những chuyện sau cùng mà ông McBeath nói với tôi là: “Con Hòa, con phải tiếp tục học lên trình độ cao hơn, bởi vì Đức Chúa Trời đã ban cho con ân điển. Con phải nắm lấy ân điển này mà học thêm. Bởi vậy con nên đi Luân Đôn tiếp tục theo đuổi học vấn tại đó.” Nói thiệt thì tôi không muốn theo đuổi học vấn nữa. Ngọn lửa đang cháy hừng hực trong lòng tôi và tôi muốn đi truyền giảng Tin Lành. Tôi không muốn tốn thêm thì giờ ngồi trong lớp học để theo học những môn làm tôi chán đến chết. Tôi không hề thích trường học. Tôi yêu sân vận động nhưng tôi không thích trường học.

Bây giờ ông McBeath lại bảo tôi nên học cao hơn, và tôi nghĩ rằng: “Ồ, không.” Nhưng khi một người đầy tớ của Đức Chúa Trời nói chuyện thì bạn phải lắng nghe. Cho nên tôi nói rằng: “Vâng, con sẽ đi xuống Luân Đôn, và nếu Đức Chúa Trời mở đường cho con, thì con sẽ học tiếp, nhưng nếu Đức Chúa Trời không mở đường thì càng hay! Con sẽ đi truyền giảng Tin Lành.”

Tôi không biết có phải ông McBeath đang cầu nguyện cho tôi hay không, bất cứ tôi đi chỗ nào, cánh cửa đều mở rộng cho tôi. Tôi ngẫm nghĩ rằng điều này thì thiệt là lạ thường. Tình hình là như vậy, tôi thì không có thì giờ học tập để dự cuộc thi nhập học đại học, thông thường người ta cần hai hay ba năm học tập chuẩn bị. Mà tôi cũng không thích điều này, nhưng tại vì ông McBeath nói vậy, thì tôi phải ráng học một chút. Nhưng chỉ học tập phân nửa thời gian, một ít chỗ này một ít chỗ kia thì không đi đến đâu cả. Với lại trường Đại Học Luân Đôn cũng không phải dễ vào đâu. Nhưng chắc là đấng người của Đức Chúa Trời này đang cầu nguyện cho tôi, bởi vậy tôi đi vào học viện nào, tôi cũng được nhận vào ngay lập tức. Tôi nghĩ rằng chuyện này thì kỳ cục quá. Có bao nhiêu người đã xin thử mà không bao giờ được nhận vào. Còn tôi thì cứ đi vào thì ông giáo sư nói: “Tôi sẽ thâu nhận anh.”

Tôi đang ngẫm nghĩ nên học ngành nào. Không chừng quí vị cũng từng đối diện với cùng một câu hỏi: “Tôi nên học cái gì?” Tôi nghĩ rằng: “Tôi muốn học một môn có thể giúp cho việc phụng sự Đức Chúa Trời.” Tôi tự nghĩ rằng: “Chúa ơi, Chúa muốn con theo học cái gì? Con đang chờ đợi.” Tôi nghĩ rằng: “Bởi vì ước vọng trong lòng tôi là truyền giảng Tin Lành cho Trung Quốc, tốt nhất là tôi sẽ tìm hiểu sâu hơn về Trung Quốc. Tôi phải học một môn có liên quan đến Trung Quốc.”

Tôi nên cho quí vị biết rằng môn nào mà liên quan đến văn học, triết học hay lịch sử là tôi sợ nhất, bởi vì trong tất cả các môn học ở trường, tôi chỉ có giỏi về các môn khoa học thôi, còn các môn về văn chương thì dở lắm. Tôi không viết được một bài luận đâu. Tôi hoàn toàn không biết tôi nên làm gì để viết một bài luận. Nhưng các môn về khoa học thì rất đơn giản, 2 cộng 2 là 4, cái đó thì tôi hiểu nổi. Nhưng nói đến viết một bài luận, tôi thật sự không biết làm gì mới phải. Về những môn học văn chương tôi thì dở lắm, miễn là tôi được thi đậu là tôi mừng lắm rồi. Còn về những môn khoa học, thì tôi thông thường làm được khá tốt. Môn mà tôi giỏi nhất thì luôn luôn là toán. Đối với tôi làm những bài toán thì tựa như chơi các trò chơi vậy. Tôi không biết tại sao có người lại sợ môn toán, nhưng tôi thì sợ môn văn chương. Và bây giờ tôi nhận thấy rằng tôi không nên theo học những môn khoa học, tại vì tôi không thấy những môn này có thể giúp ích cho việc phụng sự Chúa. Những môn này thì chắc cũng hữu ích lắm, nhưng tôi đang nói về sự lựa chọn của tôi hồi đó. Đối với người khác, môn khoa học thì cũng hữu ích lắm, chẳng hạn như là đi tìm việc làm ở Trung Quốc hay một nơi nào khác. Nhưng đối với tôi, hồi đó tôi đang ngẫm nghĩ nên học hỏi thêm về văn hóa và ngôn ngữ. Bởi vậy tôi đi vào triết học Đông Phương và những môn văn chương và lịch sử. Bây giờ tôi phải theo học những môn tôi dở nhất.

Lúc đầu tôi muốn đi học tiếng Hy Lạp. Tôi có thể tập trung vào tiếng Hy Lạp để hiểu rõ hơn về Tân Ước của Kinh Thánh. Tôi đi vào phân khoa Hy Lạp của trường đại học, và nói với người giáo sư rằng: “Tôi muốn theo học tiếng Hy Lạp.” Và tôi được nhận vào liền. Ông giáo sư chỉ hỏi tôi: “Anh có xin vào Đại Học Oxford hay Cambridge không?” Tôi nói: “Tôi không có. Hội Thánh tôi thì ở Luân Đôn và tôi không muốn đi Oxford hay Cambridge.” Ông nói: “Nếu anh đã xin hai chỗ đó rồi thì tôi không thâu nhận anh đâu, nhưng nếu anh chỉ xin vào Đại Học Luân Đôn, thì tôi sẽ thâu nhận anh.” Tôi nghĩ rằng: “Tốt quá, cái này thì nhanh lắm.” Ông giáo sư này thì rất trực tiếp.

Sau đó, tôi mới biết rằng tôi phải học tiếng Hy Lạp cổ điển, chứ không phải tiếng Hy Lap của Tân Ước. Hai thứ ngôn ngữ này không phải hoàn toàn giống y hệt, hai thứ ngôn ngữ này thì có liên quan với nhau nhưng không phải giống y hệt nhau. Tôi nghĩ rằng nếu ngôn ngữ này không phải hữu dụng lắm thì tôi không muốn tốn ba năm trời để theo học tiếng Hy Lạp cổ điển.

Rồi tôi đi vào học viện nghiên cứu Đông Phương của trường Đại Học Luân Đôn. Tôi đi vào và nói rằng: “Tôi muốn xin vào học ở đây.” Ông giáo sư hỏi tôi: “Tại sao anh muốn theo học môn này?” Tôi nói: “Bởi vì tôi muốn đi truyền giàng Tin Lành, tôi muốn trở thành người truyền giáo.” Tôi nói trực tiếp như vậy. Nếu ông đó là một người phản tôn giáo, thì không chừng ông sẽ đuổi tôi ra liền. Học viện đó không phải là nơi huấn luyện người truyền giáo. Phần đông những người theo học ở đó là muốn trở thành nhà ngoại giao. Họ học tập triết học, ngôn ngữ ngoại quốc và văn hóa ngoại quốc, và nhiều người trở thành nhà ngoại giao. Thực ra vị Tổng Đốc trước kia của Hong Kong, David Wilson đã theo học tại học viện này, ông là một nghiên cứu sinh ở đó.

Bắt Đầu Hướng Dẫn Một Hội Thánh Người Hoa Ở Luân Đôn

Tôi đi xuống Luân Đôn, rồi một anh bạn hỏi tôi: “Bây giờ anh đang dự Hội Thánh nào?”

“Tôi mới đến Luân Đôn. Tôi chưa quyết định đi Hội Thánh nào.”

Anh nói: “Đến Hội Thánh của tôi đi.”

Tôi nói: “Anh đang dự Hội Thánh nào?”

Anh nói: “Chúng tôi vừa mới thành lập một Hội Thánh người Hoa.”

Và tôi nghĩ rằng: “Không, tôi nên đi tìm một Hội Thánh khác thì phải.”

Anh nói: “Chúng tôi không có đủ người, anh hãy dự Hội Thánh người Hoa này đi!”

Tôi nói: “Tôi không thấy thích thú.” Nhưng dù sao đi nữa, anh này theo đúng lời dạy dỗ trong cái ví dụ về sự bền trí, cứ gõ cửa hoài cho đến cánh cửa được mở. Anh này không có bỏ cuộc. Anh cứ hỏi tôi từ tuần này qua tuần khác và nói rằng: “Tôi hiểu rằng anh không muốn dự Hội Thánh đó, không chừng anh đến buổi học tập Kinh Thánh đi?”

Tôi nói: “Có gì khác nhau vậy?”

Anh nói: “Tôi muốn anh đi hướng dẫn buổi học tập Kinh Thánh.”

Tôi nói: “Tôi không quen biết những người đó.”

Anh nói: “Không sao đâu, anh cứ đến hướng dẫn buổi học tập Kinh Thánh đi. Hiện nay không có ai hướng dẫn cả. Chẳng lẽ anh không muốn giúp đỡ sao?”

Và sau cùng thì tôi bắt đầu đi dự Hội Thánh đó qua buổi học tập Kinh Thánh.

Khi anh này nói đến một Hội Thánh người Hoa, tôi tưởng là lớn lắm. Thực ra chỉ có khoảng 5 người thôi, mà họ gọi đó là một Hội Thánh, họ thì nên gọi là một nhóm học tập Kinh Thánh. Họ tụ họp tại một phòng họp mặt nhỏ của một nhà trọ, không chừng vì lý do này mà họ đó gọi là một Hội Thánh. 5 người ở trong một phòng họp mặt, và họ gọi đó là một Hội Thánh.

Sau đó tôi mới biết rằng tôi là người duy nhất hướng dẫn tạm thời Hội Thánh này. Anh bạn Tín Đồ mời tôi đến dự Hội Thánh này thì không biết đi đâu rồi. Bất thình lình anh này biến mất đi chỗ khác làm việc khác luôn. Tôi thì ở lại đó để trông nom cái Hội Thánh 5 người này. Tình trạng đó thật là buồn cười, bởi vì tôi phải làm hết thảy mọi việc, từ tuyên bố bản tụng ca đến đờn cái đàn ống. Tôi chưa hề đờn đàn ống bao giờ trong đời tôi. Tôi biết đờn một ít piano, chỉ là đủ để đờn những bản tụng ca. Quí vị tưởng tượng coi 5 người không hiểu gì về âm nhạc mà ca một bản tụng ca 5 đoạn thơ, tình hình đó là ra sao? Cho nên tôi nghĩ rằng: “Tôi nên đờn cái đàn ống này thì hơn,” nhưng tôi không biết phải bấm nút nào mới phải.

Đức Chúa Trời chắc cũng có tính hài hước lắm. Tôi phải đứng ở phía trước để tuyên bố bản tụng ca, rồi tôi phải chạy đến phía sau để đờn cái đàn ống. Khi tôi đờn cái đàn ống thì không ai đứng ở phía trước cả. Khi họ hát xong một bản tụng ca rồi, thì tôi lại chạy đến phía trước nữa.

Dần dần qua việc làm của Đức Chúa Trời, Ngài dẫn đưa càng ngày càng nhiều người đến Hội Thánh này. Trong vòng một vài tháng, phòng họp mặt nhỏ này thì đầy dẫy người, vẫn không phải đông lắm, nhưng có khoảng chừng 50 người. Khi cái phòng đã đầy rồi, có người thì phải đứng trong hành lang, chỗ mà người ta đi lên đi xuống.

Tôi bắt đầu thấy quyền năng trong lời của Đức Chúa Trời đang làm việc. Đức Chúa Trời vui lòng sử dụng một người trẻ tuổi, không có kinh nghiệm, và cũng thật sự không thích hợp để lãnh đạo một Hội Thánh, và Đức Chúa Trời thì rất nhân từ, Ngài ban phước cho việc làm này. Chúng tôi phải dời đi một phòng khác để tụ họp chừng vài tuần lễ sau.

Cho đến nay tôi chưa nói gì về những chuyện kỳ diệu, phải không? Nhưng ngay trong những việc hàng ngày thường xuyên, quí vị vẫn có thể kinh lịch được Đức Chúa Trời. Quí vị có thể kinh lịch quyền năng của Ngài trong việc dẫn đưa người ta đến dự Hội Thánh.

Đức Thánh Linh Giáng Lâm Vào Một Buổi Họp Tại Trại Chislehurst

Một hay hai năm sau, Hội Thánh đó vẫn tiếp tục trưởng thành, nhưng không phải dưới sự hướng dẫn của tôi, mà là dưới sự hướng dẫn của một ông mục sư đến từ Trung Quốc. Thực ra khi tôi mới đến Hội Thánh, mục sư này đang hướng dẫn Hội Thánh, nhưng ông đi qua bên Mỹ để quyên tiền ủng hộ để mua một nhà thờ. Ông đi vắng chừng 3, 4 tháng, khi ông trở về, thì rất ngạc nhiên thấy rằng phòng nhỏ đó đã đầy dẫy người.

Hội Thánh đó tiếp tục trưởng thành, rồi chúng tôi đi cắm trại tại Chislehurst ở xứ Kent, miền đông nam của thành phố Luân Đôn. Trong trại, chúng tôi cũng làm những việc thông thường tương tự như người khác vậy. Có khoảng 60 người đến dự trại, Đức Chúa Trời thì làm việc rất hùng mạnh ở trong trại. Ngày Chúa Nhật Phục Sinh là ngày sau cùng trong trại, Đức Chúa Trời làm việc trong lòng của mỗi một người. Trong những ngày ở trong trại, mọi người đều thấy Đức Chúa Trời đang làm việc trong lòng của nhiều người. Vào ngày Chúa Nhật Phục Sinh thì có một trò chơi đi tìm cái trứng phục sinh. Muốn tìm được cái trứng phục sinh này, thì anh phải có đầu mối từ điểm này qua điểm kia. Nếu bạn không có đầu mối chính xác, thì bạn sẽ đi đến chỗ sai lầm. Từ đầu mối này đến đầu mối kia, bạn phải ráng suy nghĩ phân tích để tìm cái trứng đó.

Nếu quí vị hiểu rõ tôi, thì quí vị biết rằng tôi thì ham chơi lắm. Cho nên tôi gia nhập vào trò chơi cùng mọi người đi tìm trứng. Rốt cuộc, cái gì xảy ra đây? Tôi thắng, tôi được cái trứng. Thắng được cái trứng thì chắc cũng hay lắm chứ, nhưng tôi phải đem cái trứng lớn màu vàng kim này mà đi vào buổi họp của ngày Chúa Nhật Phục Sinh, tôi cảm thấy tôi hình như là một vai hề. Tôi tự nhủ rằng: “Chúa ơi, tại sao lại cho con thắng cái trứng này?” Cái trứng này coi kỳ quá đi. Tôi muốn tìm cách để giấu cái trứng này dưới ghế ngồi. Chẳng bao lâu thì buổi họp bắt đầu.

Tôi nói điểm này là tại vì nhiều khi Tín Đồ Cơ Đốc hay dùng âm nhạc hoặc phương pháp khác để tạo nên một không khí thuộc linh để gây xúc động tình cảm của người ta hầu cho đạt được kết quả họ muốn. Nhưng hôm đó thì không có những việc này cả. Chúng tôi không có làm gì để gây xúc động tình cảm của người ta. Rồi buổi họp bắt đầu. Người chủ tọa buổi họp đứng dậy và bắt đầu mở miệng nói vài lời. Lúc đó, mọi người vừa mới ngồi xuống, vẫn còn cười vui và nói đùa. Có một khoảng thời gian yên lặng, anh em Tín Đồ này nói: “Để chúng ta bắt đầu bằng lời cầu nguyện,” rồi bất thình lình Thánh Linh của Chúa Trời ngự xuống. Đó là lý do tại sao tôi kể cho quí vị nghe cái trò chơi về trứng Phục Sinh. Không có sửa soạn tâm lý gì hết. Đó là hoàn toàn ngạc nhiên. Một lúc thì người ta đang vui cười, nói đùa, rồi bỗng nhiên là hoàn toàn yên lặng. Sau đó mọi người đều cảm thấy sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Trừ phi quí vị từng trải một kinh lịch như vậy, bằng không thì khó mà giải thích cho quí vị biết tình hình đó là như thế nào.

Tôi có thể hiểu được vào ngày lễ Ngũ Tuần khi Thánh Linh của Chúa Trời giáng lâm thì tình hình đó là như thế nào. Cũng như tôi đã nói, khi Thánh Linh giáng lâm, thì Ngài sẽ chủ tọa cả buổi họp. Người chủ tọa thì cứ ngồi trên ghế, và chúng tôi không nghe anh này nói một câu nào nữa suốt cả buổi họp, có nghĩa là anh này không hề chủ tọa buổi họp. Đức Chúa Trời điều khiển mọi việc.

Tôi để ý có tiếng khóc thổn thức ở một góc nhà kia. Rồi càng ngày càng nhiều tiếng khóc thổn thức vang lên. Bất thình lình có tiếng khóc lớn ngang qua cái phòng tụ họp 60 người. Rồi sau đó, người ta bắt đầu xưng tội, rồi ăn năn hối cải. Sự thánh sạch đáng sợ của Đức Chúa Trời không phải là một điều mà bạn có thể định nghĩa được rồi viết trên một tờ giấy. Thánh sạch là gì? Bạn mở cuốn tự điển ra coi, thì trong đó nói rằng thánh sạch là cái này cái nọ. Sau cùng, bạn vẫn chưa biết thánh sạch là cái gì. Nhưng nếu bạn từng gặp gỡ với Đức Chúa Trời, bạn không cần ai giải thích cho bạn biết thánh sạch là gì nữa, bởi vì bạn từng kinh lịch rồi.

Bất thình lình có sự hiện diện đáng kính sợ của Đức Chúa Trời, Ngài đang ở trong phòng, và Ngài đang tuyên bố tội lỗi của người ta. Ông đứng kế bên tôi thì rất to và cao, ông này không muốn cho ai thấy ông khóc đâu. Nhưng khi tôi xoay lại thì thấy ông này đang khóc lóc không kiềm chế nổi, nước mắt đang chảy trên mặt của ông. Cả phòng đều là như vậy. Mọi người đều cảm thấy quyền năng của Đức Chúa Trời. Rồi người ta đứng dậy xưng tội của mình và cầu xin Chúa Trời tha tội. Thật là kỳ diệu. Đức Thánh Linh của Chúa Trời đang làm việc trong lòng của từng người một. Thật là một kinh lịch khó quên.

Chúng tôi không để ý đến thời gian trôi qua. Theo dự định thì buổi họp là một tiếng rưởi đồng hồ, nhưng đã kéo dài từ giờ này qua giờ khác. Mọi người đều bỏ quên cả chương trình và không ai đi ăn trưa hết. Những nhân viên trong trại đang chờ đợi để dọn cơm trưa cho chúng tôi, nhưng không ai xuất hiện. Mọi người đều ngồi trong phòng và Thánh Linh của Đức Chúa Trời đang làm việc. Nếu bạn muốn nói về những kinh lịch kỳ diệu, thì sự kiện đó đã bày tỏ quyền năng của Đức Chúa Trời vậy. Để tôi nói cho quí vị nghe, thật là kỳ diệu. Đó là kinh lịch trực tiếp của lễ Ngũ Tuần. Chúng tôi kinh lịch sự hiện diện chế ngự của Đức Chúa Trời. Tôi cứ dùng mãi từ ngữ “đáng kính sợ”. Tôi không biết dùng từ ngữ nào khác để mô tả kinh lịch này. Mọi người đều khóc lên trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời.

Sau vài tiếng đồng hồ, chúng tôi mới kết thúc buổi họp. Tôi cũng không biết buổi họp đó kết thúc ra sao nữa. Khi đi ra khỏi phòng đó, chúng tôi đều cảm thấy như trong tình trạng mê mẫn, kinh ngạc. Tôi nhấn mạnh về khoảng thời gian đó, bởi vì đó không phải là chỉ là 2, 3 giây đồng hồ, chợt hiện ra rồi biến mất, mà là từ giờ này sang giờ khác ở trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Đó không phải là một kinh lịch thoáng qua, tưởng tượng, rồi mờ đi. Đó là một kinh lịch kéo dài mãi, hầu cho bạn có thể thưởng thức sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Ngài không phải chỉ là thoáng qua rồi biến mất liền, bằng không thì không chừng bạn sẽ nghĩ rằng: “Có phải là tôi vừa thấy ma hay sao?” Không, Chúa Trời thì ở đó. Sau cuộc kinh lịch này, mọi người đều khác hẳn rồi. Kinh lịch đó đã in dấu vào trong tâm linh tôi một cách sâu sắc hơn tôi tưởng tượng được. Quyền năng của buổi họp với Đức Chúa Trời thật là kỳ diệu.

Tôi nghĩ rằng những người trong buổi họp đó thì không ai biết rằng nên dùng cách nào để mô tả cuộc kinh lịch đó. Nhưng tôi từng kinh lịch Đức Chúa Trời vài lần qua nhiều cách khác nhau, tôi biết rằng mỗi khi Đức Chúa Trời làm một việc như vậy, thì kẻ thù cũng sẽ làm việc nữa. Kẻ thù thì đến như nạn hồng thủy. Số người trong Hội Thánh tăng vụt lên. Khi người ta nghe rằng 60 người bọn chúng tôi từng gặp gỡ với Đức Chúa Trời ở Chislehurst, tin này truyền đi rất nhanh. Mọi người đều muốn đến Hội Thánh chúng tôi để coi coi việc gì xảy ra ở đây. Bạn bắt lửa bằng cách nào? Thực ra không có một phương pháp để bắt lửa. Không cách nào nói cho họ biết được. Bằng cách nào mà chúng tôi nói cho họ biết được? Sự kiện này thì không phải là cứ theo đúng một phương pháp từng bước một, bước 1, bước 2, bước 3 như vậy. Chúng tôi không có chuẩn bị gì hết. Bạn không cách nào tổ chức một cuộc kinh lịch như vậy, hay là sửa soạn cho cuộc kinh lịch này. Đức Chúa Trời sẽ đến lúc nào thì hoàn toàn do Ngài quyết định. Chứ không phải là tại vì chúng tôi tốt hơn người ta, hoặc là thánh sạch hơn người ta, hoặc là chúng tôi ca hát hay hơn người ta, hoặc là chúng tôi vỗ tay hay hơn, hoặc chúng tôi nhảy múa hay hơn người ta. Chúng tôi không có giỏi về những điều này hết. Chúng tôi nghĩ không ra một lý do nào hết. Đó là Đức Chúa Trời lựa chọn đến với chúng tôi.

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church