You are here

Bài Giảng Luận Kỷ Niệm Chúa Giê-su Bị Đóng Đinh Trên Thập Giá (7)

Bài Giảng Kỷ Niệm Chúa Giê-su Bị Đóng Đinh Trên Thập Giá (7)

Chúa Trời Tôi ơi! Chúa Trời Tôi ơi! Sao Ngài Lìa Bỏ Tôi?

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Hôm nay chúng ta học tập những sự kiện xảy ra trong giờ phút cuối cùng của Chúa Giê-su trên thập giá. Trước khi Chúa chịu chết, Chúa mở miệng nói một câu rất đau thương và quan trọng:

Ma-thi-ơ 27:45 – 46 45 Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, khắp cả xứ đều tối tăm mù mịt. 46 Khoảng giờ thứ chín, Chúa Giê-su kêu lên lớn tiếng rằng: “Ê-li, Ê-li lam-ma sa-bách-ta-ni?” nghĩa là: “Chúa Trời tôi ơi! Chúa Trời tôi ơi! sao Ngài lìa bỏ tôi?”

Chúa Giê-su Bị Chúa Trời Lìa Bỏ

Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín tức là từ 12 giờ trưa đến 3 giờ chiều. Khoảng 3 giờ chiều, Chúa Giê-su kêu lên lớn tiếng rằng: “Chúa Trời tôi ơi! Chúa Trời tôi ơi! sao Ngài lìa bỏ tôi?”. Sau đó, “Chúa Giê-su lại kêu lên một tiếng lớn nữa, rồi trút linh hồn” (Ma-thi-ơ 27:50)

Trong giây phút cuối cùng của Chúa Giê-su, Cha của Chúa là Chúa Trời Đức Gia-vê lìa bỏ Chúa. Chúa Giê-su rất yêu mến Đức Cha, Chúa và Đức Cha là hiệp làm một. Bị Đức Cha lìa bỏ là rất mực đau khổ cho Chúa Giê-su.

Tại sao Đức Cha lìa bỏ Chúa Giê-su trong giờ phút cuối cùng của Chúa? Tại sao Ngài không ở cùng với Chúa cho đến cùng?

Câu trả lời là tại vì này là cách duy nhất để cứu chuộc tội nhân chúng ta. Vì ơn cứu chuộc của chúng ta, Đức Cha ở trên trời và Chúa Giê-su lành phải phân ly. Bây giờ tôi sẽ giải thích cho các bạn từng bước một.

Chúa Giê-su Không Nhận Biết Tội Lỗi

2 Cô-rinh-tô 5:21 21 Chúa Trời đã làm cho Christ, đấng chẳng nhận biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta trong Christ mà được trở nên sự công nghĩa của Chúa Trời.

Đoạn Kinh Thánh trên nói rằng Chúa Trời đã làm cho Chúa Giê-su Christ là đấng chẳng nhận biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta.

Tại sao Chúa chẳng nhận biết tội lỗi? Từ những sự kiện ghi lại trong Kinh Thánh, chúng ta thấy rằng Chúa Giê-su thấu hiểu ý tưởng tâm hồn của loài người, tại vì Chúa Trời Đức Gia-vê ngự ở trong Chúa, cho nên Chúa có trí tuệ siêu phàm. Nhưng tại sao Chúa lại không nhận biết tội lỗi?

Nguyên văn Hy Lạp của “nhận biết” là “γινώσκω” (dịch ra chữ Anh là ginosko). Chữ này không phải chỉ về sự hiểu biết hời hợt nông cận, mà chỉ về sự hiểu biết sâu xa qua kinh nghiệm. Thí dụ: Tôi sinh ở Việt Nam và trưởng thành ở Thành Phố Hồ Chí Minh, cho nên tôi nhận biết Việt Nam sâu xa hơn những người Tây Phương chưa hề đặt chân trên đất Việt Nam. Và thông thường những người từng trải gian nan khó khăn trong cuộc đời thì có thể nhận biết lòng người sâu xa lắm.

Câu Kinh Thánh trên 2 Cô-rinh-tô 5:21 nói rằng Chúa Giê-su không nhận biết tội lỗi, có nghĩa là Chúa không có kinh nghiệm về tội lỗi. Tại sao vậy?

1 Phi-e-rơ 2:22 22 Chúa không hề phạm tội, trong miệng Chúa không hề có lời dối trá;

Câu Kinh Thánh trên 1 Phi-e-rơ 2:22 chỉ ra một cách rõ ràng minh bạch rằng Chúa Giê-su không hề phạm tội.

Hê-bơ-rơ 4:14 – 15 14 Bởi vậy, vì chúng ta có một thầy tế lễ thượng phẩm vĩ đại, tức là Chúa Giê-su, Con của Chúa Trời, đã trải qua các tầng trời, chúng ta hãy bền giữ sự tuyên xưng của mình. 15 Vì chúng ta chẳng có một thầy tế lễ thượng phẩm không cảm thông với sự yếu đuối của chúng ta, nhưng thầy tế lễ này từng bị cám dỗ trong mọi việc cũng như chúng ta vậy, nhưng chẳng phạm tội.

Đoạn Kinh Thánh trên Hê-bơ-rơ 4:14 – 15 chỉ ra rằng Chúa Giê-su, Con của Chúa Trời chính là thầy tế lễ thượng phẩm vĩ đại. Chúa cảm thông với sự yếu đuối của chúng ta, vì Chúa từng bị cám dỗ trong mọi việc cũng như chúng ta vậy, nhưng Chúa chẳng phạm tội.

Hai đoạn Kinh Thánh trên 1 Phi-e-rơ 2:22 và Hê-bơ-rơ 4:14 – 15 đều chỉ ra rằng Chúa Giê-su không hề phạm tội lỗi nào. Tại vì Chúa Giê-su không hề phạm một tội lỗi nào cả, cho nên Chúa không có kinh nghiệm về tội lỗi, hay nói một cách khác là Chúa không nhận biết tội lỗi.

Chúa Giê-su Trở Nên Tội Lỗi Vì Chúng Ta

Nhưng tại sao Chúa Trời Đức Gia-vê đã làm cho Christ, đấng chẳng nhận biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta? Chúa Giê-su trở nên tội lỗi vì chúng ta có nghĩa là gì?

Đầu tiên, ba chữ “vì chúng ta” có ý nghĩa mơ hồ, không chính xác. Nguyên văn Hy Lạp của chữ “vì” là “ὑπέρ” (dịch ra chữ Anh là huper). Căn cứ theo tự điển chữ Hy Lạp, trong trường hợp này thì chữ huper có nghĩa là “thay vì, thay mặt cho.” Bởi vậy câu Kinh Thánh 2 Cô-rinh-tô 5:21 nên dịch như vậy: “Chúa Trời đã làm cho Christ, đấng chẳng nhận biết tội lỗi trở nên tội lỗi thay mặt cho chúng ta, hầu cho chúng ta trong Christ mà được trở nên sự công nghĩa của Chúa Trời. ”

Hết thảy người đời đều đã phạm tội, chúng ta đều là tội nhân. Chúng ta đều mang nhiều tội lỗi trong cuộc đời của mình. Mà Chúa Giê-su là hoàn toàn vô tội. Chúa Trời Đức Gia-vê lấy hết thảy tội lỗi của người đời trong bao nhiêu thế hệ đều đổ trên thân của Chúa Giê-su. Bởi vậy, Chúa Giê-su Christ, một người không hề phạm một tội lỗi nào cả, mang hết thảy tội lỗi của người đời trên thân mình, Chúa đã trở nên tội lỗi.

Nhưng Chúa Giê-su trở nên tội lỗi thay mặt cho chúng ta có nghĩa là gì?

Đáng lẽ chúng ta phải chịu đựng hậu quả của tội lỗi tại vì ta đã phạm tội. Nhưng bao nhiêu tội lỗi của chúng ta đã đổ trên thân của Chúa, và Chúa chịu đựng trừng phạt của tội lỗi thay mặt cho chúng ta.

Khi chúng ta phạm tội thì chính là tội lỗi khiến chúng ta bị ngăn cách với Chúa Trời, ta không thể tương giao với Ngài, và Ngài không muốn nghe lời cầu khẩn của ta:

Ê-sai 59:1 – 2 1 Nầy, tay của Gia-vê chẳng trở nên ngắn mà không cứu được; tai Ngài cũng chẳng nặng nề mà không nghe được đâu. 2 Nhưng ấy là sự gian ác các ngươi đã ngăn cách các ngươi với Chúa Trời; và tội lỗi các ngươi đã che khuất mặt Ngài khỏi các ngươi, đến nỗi Ngài không nghe các ngươi nữa.

Khi hết thảy tội lỗi của người đời đều đổ trên thân của Chúa Giê-su, thì Chúa cũng bị ngăn cách với Chúa Trời Gia-vê, và Ngài không nghe Chúa Giê-su nữa. Bởi vậy trong giây phút cuối cùng, trước khi Chúa chết trên thập giá, Chúa kêu lên rằng: “Chúa Trời tôi ơi! Chúa Trời tôi ơi! Sao Ngài lìa bỏ tôi?” Chúa Trời Đức Gia-vê đã lìa bỏ Chúa.

Chẳng những thế, sau khi Chúa Giê-su chết đi rồi, linh hồn của Chúa phải đi xuống âm phủ:

1 Phi-e-rơ 3:18 – 19 18 Vì đấng Christ cũng vì tội lỗi chịu chết một lần, đấng công nghĩa vì những kẻ không công nghĩa, để dẫn đưa chúng ta đến cùng Chúa Trời, Chúa đã chịu chết trong xác thịt, nhưng đã được sống lại trong linh hồn. 19 Trong linh hồn, Chúa đi giảng cho các linh hồn bị tù,”

“Các linh hồn bị tù” là các linh hồn của tội nhân trong âm phủ. Sau khi tội nhân chết đi, linh hồn của họ bị tù ở âm phủ, và chờ đợi Ngày Phán Xét. Linh hồn của Chúa Giê-su đi vào trong âm phủ và rao giảng cho các linh hồn bị tù ở đó.

Chúa Trời Đau Thương Vô Cùng Khi Ngài Phải Lìa Bỏ Chúa Giê-su

Thật ra, khi Chúa Trời Đức Gia-vê phải lìa bỏ Chúa Giê-su trong khi Chúa chịu chết trên thập giá, chính Chúa Trời cũng đau thương vô cùng. Chúa Giê-su là Con hoàn toàn trọn vẹn duy nhất của Chúa Trời, tình thương yêu giữa Cha và Con là cực kỳ nồng hậu. Chính Chúa Giê-su nói rằng Cha luôn luôn ở cùng với Chúa:

Giăng 8:29 29 Ðấng sai ta đến là ở cùng với ta, Ngài chẳng để ta ở một mình, vì ta luôn làm những điều đẹp lòng Ngài.

Đấng sai Chúa Giê-su đến chính là Chúa Trời Gia-vê. Ngài ở cùng với Chúa Giê-su, Ngài chẳng để Chúa ở một mình. Nhưng vì cứu chuộc tội nhân chúng ta, Đức Cha Gia-vê và Chúa Giê-su phải chịu lấy sự đau thương của phân ly. Điểm này bày tỏ cho chúng ta thấy tình thương yêu vô biên vĩ đại của Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su Christ.

Chúng Ta Phải Làm Gì ?

Vậy chúng ta nên làm gì để đáp ứng lại tình thương yêu vô biên của Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su?

1 Phi-e-rơ 2:21 – 24 21 anh em đã được kêu gọi vào sự chịu khổ, vì đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em theo bước chân Chúa; 22 Chúa không hề phạm tội, trong miệng Chúa không hề có lời dối trá; 23 Chúa bị rủa mà không rủa lại, chịu khổ mà không hề hăm dọa, nhưng cứ phó thác chính mình cho Ðấng xét đoán công nghĩa; 24Chính Chúa gánh vác tội lỗi của chúng ta trong thân thể Chúa trên cây gỗ, hầu cho chúng ta đã chết về tội lỗi và sống cho sự công nghĩa; bởi những vết thương của Chúa mà anh em được chữa lành.

Trong đoạn Kinh Thánh trên, sứ đồ Phi-e-rơ răn dạy chúng ta phải đi theo bước chân của Chúa Giê-su:

  • Chúa đã chịu khổ vì ơn cứu chuộc của chúng ta, cho nên chúng ta cũng nên chịu khổ vì ơn cứu chuộc của người khác.
  • Chúa không hề phạm tội, trong miệng Chúa không hề có lời dối trá. Chúng ta muốn noi gương của Chúa, thì ta phải nói theo lẽ thật, khi chúng ta không cẩn thận lại phạm tội lỗi, thì ta phải ăn năn hối cải liền.
  • Chúa bị rủa mà không rủa lại, chịu khổ mà không hề hăm dọa, nhưng cứ phó thác chính mình cho Ðấng xét đoán công nghĩa. Khi chúng ta bị rủa hay chịu khổ, ta không tìm cách trả thù, chúng ta phó thác chính mình hoàn toàn trong tay của Đấng xét đoán công nghĩa, tức là Chúa Trời Gia-vê.
  • Chúa gánh vác tội lỗi của chúng ta trong thân thể Chúa trên cây gỗ, hầu cho chúng ta đã chết về tội lỗi và sống cho sự công nghĩa. Cho nên chúng ta phải chết về tội lỗi và sống cho sự công nghĩa (Xin đọc 2 bài giảng “Cùng Chết Với Chúa” và “Cùng Sống Với Chúa”)

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church