You are here

Bài Giảng Luận Lễ Phục Sinh (4)

Bài Giảng Luận Lễ Phục Sinh (4)

Chúa Trời Đã Lập Giê-su Làm Chúa Và Christ

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Tín Đồ Cơ Đốc xưng Giê-su là Chúa Giê-su Christ, nhưng phần nhiều người không hiểu rõ ý nghĩa của hai chữ “Chúa” và “Christ”.

Công Vụ Các Sứ Đồ 2:36 36 Vậy xin cả nhà Y-sơ-ra-ên hãy biết chắc chắn rằng Chúa Trời đã lập Giê-su mà các ngươi đã đóng đinh trên thập tự giá, làm Chúa và Christ.

Này là câu nói của sứ đồ Phi-e-rơ trong bài giảng đầu tiên của người.

Bài Giảng Đầu Tiên Của Sứ Đồ Phi-e-rơ

Sau khi Chúa Giê-su Christ phục sinh rồi, Chúa hiện ra trước các sứ đồ trong vòng bốn mươi ngày và giảng dạy cho họ những chuyện về vương quốc Chúa Trời. Sau cùng tại núi Ô-li-ve, Chúa dặn bảo các sứ đồ phải ở lại trong thành Giê-ru-sa-lem, và chờ đợi Thánh Linh giáng lâm trên họ, rồi họ sẽ nhận được quyền năng để làm chứng về Chúa. Nói xong thì Chúa được cất lên trời, có một đám mây tiếp Chúa đi.

Ngày lễ Ngũ Tuần của người Do Thái là một ngày lễ để mừng sự thu hoạch, nhằm vào ngày thứ năm mươi sau lễ Vượt Qua. Vào ngày lễ Ngũ Tuần, Thánh Linh của Chúa Trời giáng lâm trên các môn đồ, họ nhận được quyền năng và ân tứ nói các thứ ngôn ngữ khác nhau.

Sứ đồ Phi-e-rơ đứng lên cùng mười một sứ đồ và bắt đầu truyền giảng Tin Lành cho dân chúng của thành Giê-ru-sa-lem. Sứ đồ chỉ ra rằng dân chúng đã nộp Chúa Giê-su cho chính quyền La-mã để đóng đinh trên thập tự giá và giết đi, nhưng Chúa Trời Đức Gia-vê đã khiến Chúa sống lại.

Sứ đồ tuyên bố cho dân chúng thành Giê-ru-sa-lem biết rằng: “Vậy xin cả nhà Y-sơ-ra-ên hãy biết chắc chắn rằng Chúa Trời đã lập Giê-su mà các ngươi đã đóng đinh trên thập tự giá, làm Chúa và Christ.”

Có người sẽ nghĩ rằng: “Khi Chúa Giê-su còn sống trên thế gian thì người ta thường xưng Chúa bằng “Chúa” và bằng “Christ” rồi, tại sao sứ đồ Phi-e-rơ lại tuyên bố một cách trọng thể rằng Chúa Trời đã lập Gie-su làm Chúa và Christ ?”

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải tìm hiểu ý nghĩa sâu xa của hai chữ “Chúa” và “Christ”.

Chữ “Chúa” (κύριος) Mang Nhiều Ý Nghĩa Khác Nhau

Nguyên văn Hy Lạp của chữ “Chúa” là “κύριος” (Kyrios) (đọc là: khúa-ri-o-s), chữ này có ba ý nghĩa khác nhau.

1. Một xưng hô lễ phép

Chữ Kyrios (Chúa) có thể dùng để xưng hô người ta một cách lễ phép, tương tự như chữ “ông” trong tiếng Việt.

Giăng 4:1111 Người đàn bà nói rằng: “Hỡi chúa, chúa không có gì mà múc, và giếng thì sâu, vậy bởi đâu có nước sống ấy?”

Này là câu nói của người đàn bà Sa-ma-ri mà Chúa Giê-su gặp ở bên một cái giếng. Người đàn bà này đến múc nước, Chúa muốn cứu vớt bà này, nên Chúa bắt đầu nói chuyện với bà. Chúa xin bà cho nước uống. Lúc đó bà này chưa biết Chúa Giê-su là ai, nhưng để giữ lễ phép, bà vẫn xưng Chúa Giê-su là “chúa” (kyrios).

Giăng 12:20 – 21 20 Có mấy người Hy Lạp trong số những người đi lên để thờ phượng trong kỳ lễ, 21 họ đến gặp Phi-líp, là người thành Bết-sai-đa thuộc xứ Ga-li-lê, và xin rằng: “Thưa chúa, chúng tôi muốn được thấy Giê-su.”

Trong đoạn Kinh Thánh trên, chữ “chúa” trong câu 21: “Thưa chúa, …” chính là kyrios. Những người Hy Lạp này biết rằng Phi-líp chỉ là một môn đồ của Chúa Giê-su, vì giữ lễ phép họ vẫn xưng người là “chúa” (kyrios).

Giăng 20:14 – 15 14 Vừa nói xong người quay lại thấy Chúa Giê-su đứng đó; nhưng người không biết ấy là Chúa Giê-su. 15 Chúa Giê-su hỏi người rằng: “Hỡi đàn bà kia, sao ngươi khóc? Ngươi tìm ai?” Người tưởng rằng đây là người làm vườn, bèn nói rằng: “Hỡi chúa, nếu ngươi đã dời Chúa đi, xin nói cho tôi biết ngươi để Chúa ở đâu, thì tôi sẽ đến mà lấy.”

Đoạn Kinh Thánh trên thuật lại cuộc đối thoại giữa Ma-ri và Chúa Giê-su sau khi Chúa sống lại từ cõi chết. Ma-ri không biết ấy là Chúa Giê-su, người tưởng rằng đây là người làm vườn. Trong câu 15: “Hỡi chúa, nếu ngươi đã…”, người xưng một người làm vườn bằng “chúa” (kyrios).

2. Chữ “Chúa” là chỉ Chúa Trời Đức Gia-vê

Trong Kinh Thánh, Chúa Trời Đức Gia-vê được xưng là “Chúa” (Kyrios).

Ma-thi-ơ 1:20 20 Nhưng đang ngẫm nghĩ về việc ấy, thì thiên sứ của Chúa hiện đến cùng Giô-sép trong giấc chiêm bao mà phán rằng: “Hỡi Giô-sép, con cháu Đa-vít, ngươi chớ ngại lấy Ma-ri làm vợ, vì con mà người chịu thai đó là bởi Thánh Linh.

Chữ “Chúa” (kyrios) trong câu “thiên sứ của Chúa hiện đến cùng Giô-sép…” là chỉ về Chúa Trời Đức Gia-vê.

Lu-ca 1:6 6 Cả hai đều là công nghĩa trước mặt Chúa Trời, vâng giữ mọi điều răn và mệnh lệnh của Chúa một cách không chỗ trách được.

Chữ “Chúa” (kyrios) trong đoạn Kinh Thánh này là chỉ về Chúa Trời.

Lu-ca 1:16 16 Người sẽ đưa nhiều con cái Y-sơ-ra-ên trở về cùng Chúa, là Chúa Trời của họ;

Trong đoạn Kinh Thánh này, rất hiển nhiên chữ “Chúa” (kyrios) là chỉ về Chúa Trời Đức Gia-vê.

3. Chữ “Chúa” là chỉ những người có quyền lực lớn

Ma-thi-ơ 25:34 – 37 34 Bấy giờ vua sẽ nói cùng những người ở bên hữu rằng: “Hỡi các ngươi được Cha ta ban phước, hãy đến mà nhận lấy vương quốc đã sắm sẵn cho các ngươi từ khi dựng nên trời đất. 35 Vì khi ta đói, các ngươi đã cho ta ăn; ta khát, các ngươi đã cho ta uống; khi ta là khách lạ, các ngươi tiếp rước ta; 36 khi ta trần truồng, các ngươi mặc cho ta; ta đau ốm, các ngươi viếng thăm ta; ta bị tù, các ngươi đến cùng ta.” 37 Lúc ấy những người công nghĩa sẽ đáp rằng: “Lạy Chúa, khi nào chúng tôi đã thấy Chúa đói, mà cho ăn, hay khát, mà cho uống?”

Này là một ví dụ nói về Ngày Phán Xét. Ông vua khen ngợi những người công nghĩa đã chăm sóc kẻ đói khát, trần truồng, đau ốm và bị tù. Trong câu 37, những người công nghĩa đáp rằng: “Lạy Chúa…” Chữ “Chúa” (kyrios) ở đây là chỉ ông vua đó, một người có quyền hành xét xử.

Lu-ca 6:46 46 Tại sao các ngươi gọi ta: “Chúa, Chúa,” mà không làm theo lời ta nói?

Đoạn Kinh Thánh này chỉ ra rằng khi chúng ta xưng một người bằng “Chúa” thì chúng ta phải làm theo lời của người ấy. Chữ “Chúa” (kyrios) là chỉ một người có quyền lực mà chúng ta phải vâng phục.

1 Phi-e-rơ 3:6 6 như Sa-ra vâng phục Áp-ra-ham, gọi người là chúa mình. Các chị em trở nên con gái của bà nếu các chị em làm điều phải và không để mối kinh hoàng nào làm cho mình sợ hãi.

Đoạn Kinh Thánh này nói rằng Sa-ra vâng phục Áp-ra-ham, gọi người là chúa mình. Khi chúng ta gọi một người là chúa (kyrios) thì chúng ta phải vâng phục người ấy.

Giê-su Trở Nên Chúa Ở Trên Trời Và Trên Mặt Đất

Khi sứ đồ Phi-e-rơ nói rằng Chúa Trời đã lập Giê-su làm Chúa và Christ, chữ “Chúa” đó mang ý nghĩa gì?

Ma-thi-ơ 28:18 – 20 18 Chúa Giê-su đến gần và bảo các môn đồ rằng: “Tất cả quyền năng ở trên trời và trên trái đất đều đã giao cho ta. 19 Vậy hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đồ, hãy nhân Danh Đức Cha, Đức Con, và Thánh Linh mà làm phép báp-tem cho họ, 20 và dạy họ giữ hết tất cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và này, ta hằng ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.”

Sau khi Chúa Giê-su phục sinh rồi, ở xứ Ga-li-lê Chúa hiện ra trước mặt 11 môn đồ. Chúa bảo các môn đồ rằng tất cả quyền năng ở trên trời và trên đất đều đã giao cho mình, và Chúa sai các môn đồ đi truyền giảng Tin Lành cho muôn dân và làm phép báp-tem cho họ.

Đoạn Kinh Thánh này chỉ ra rằng sau khi phục sinh thì Chúa Giê-su được Chúa Trời ban cho tất cả quyền năng ở trên trời và trên trái đất.

Phi-líp 2:8 – 11 8 Chúa tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự. 9 Chính vì đó, Chúa Trời đã nâng Chúa lên rất cao, và ban cho Chúa cái danh trên hết mọi danh, 10 hầu cho vì danh của Chúa Giê-su, mọi đầu gối trên trời, trên mặt đất và ở dưới đất đều quì xuống, 11 và mọi lưỡi đều xưng Giê-su Christ là Chúa, mà tôn vinh Chúa Trời Ðức Cha.

Đoạn Kinh Thánh này chỉ ra rằng Chúa Trời làm cho danh của Giê-su trên hết mọi danh, vì danh của Giê-su mà mọi đầu gối trên trời, trên mặt đất và ở dưới đất đều phải quì xuống, mọi lưỡi đều xưng Giê-su Christ là Chúa mà tôn vinh Chúa Trời Đức Cha.

Qua hai đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 28:18 – 20 và Phi-líp 2:8 – 11, chúng ta thấy rằng sau khi Giê-su phục sinh rồi, Chúa Trời Đức Gia-vê nâng cao người lên và lập người làm Chúa có quyền hành trị vì ở trên trời, trên mặt đất và ở dưới đất.

Christ – Đấng Cứu Thế

Còn chữ “Christ” có nghĩa là gì?

Nguyên văn Hy Lạp của chữ “Christ” là “Χριστός” (Christos) (đọc là kri-s-tó-s), mà chữ Christos lại là phiên dịch của nguyên văn Hê-bơ-rơ “מָשִׁיחַ” (Mashiach) (đọc là ma-shi-a). MashiachChristos có cùng một ý nghĩa là “kẻ được xức dầu”.

Kinh Thánh ghi rằng ở nước Y-sơ-ra-ên, có ba hạng người là những người tiên tri, thầy tế lễ và ông vua phải chịu xức dầu trước khi nhậm chức.

Khi Chúa Trời Đức Gia-vê chọn lựa một người nào làm vua của dân Y-sơ-ra-ên, Ngài sẽ sai một người tiên tri đi xức dầu cho người ấy. Bởi vậy sự xức dầu là tượng trưng cho sự tuyển lập của Chúa Trời. Trước khi một ông vua lên ngôi, người phải được người tiên tri xức dầu để chứng tỏ rằng người đã được Chúa Trời lập làm vua của dân Y-sơ-ra-ên.

Thi Thiên 2:2 – 8 2 Các vua thế gian nổi dậy, các quan trưởng bàn nghị cùng nhau chống nghịch Gia-vê và đấng chịu xức dầu của Ngài, nói rằng: 3 “Chúng ta hãy bẻ cùm của họ, và quăng mối thắt buộc của họ xa chúng ta.” 4 Ðấng ngự trên trời cười, Chúa nhạo báng chúng nó. 5 Bấy giờ, trong cơn thạnh nộ, Ngài sẽ phán cùng chúng nó, trong cơn giận dữ, Ngài làm chúng nó kinh hãi, Ngài nói rằng: 6 “Thật vậy, ta đã lập vua ta trên Si-ôn là núi thánh ta.” 7 Ta sẽ tuyên bố mệnh lệnh của Gia-vê: Ngài nói cùng ta rằng: “Ngươi là Con ta, hôm nay ta đã sinh ngươi. 8 Hãy cầu xin ta, ta sẽ ban cho ngươi các nước làm cơ nghiệp, và đến tận cùng trái đất làm tài sản.

Trong đoạn Kinh Thánh trên, tác giả thi nhân đã nói tiên tri rằng Chúa Trời sẽ lập một ông vua để lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên, ông vua này sẽ cai trị nhiều quốc gia cho đến cùng trái đất.

Trong câu 2: “…bàn nghị cùng nhau chống nghịch Gia-vê và đấng chịu xức dầu của Ngài…”, từ ngữ “đấng chịu xức dầu” (tức là Mashiach) là chỉ về ông vua đã được Chúa Trời tuyển lập đó; và trong câu 7, Chúa Trời gọi ông vua đó là “Con ta”. Bởi vậy Mashiach lại mang ý nghĩa là “Con của Chúa Trời”.

Mi-chê 5:2 – 4 2 Còn ngươi, hỡi Bết-lê-hem Ép-ra-ta, ngươi thật nhỏ ở trong các chi tộc của Giu-đa, nhưng từ nơi ngươi sẽ ra cho ta một đấng lãnh đạo trong Y-sơ-ra-ên. Gốc tích của người từ thuở xưa, từ những ngày vĩnh viễn vô tận. 3 Vì thế Ngài sẽ phó chúng nó cho đến lúc người nữ chuyển bụng đã sinh con, rồi những kẻ sót lại của anh em người sẽ trở về với con cái Y-sơ-ra-ên. 4 Người sẽ đứng vững và nhờ cậy vào sức mạnh của Gia-vê với oai nghi của danh của Gia-vê Chúa Trời của người mà chăn bầy chiên mình. Và chúng nó sẽ ở yên ổn, vì bấy giờ người sẽ là vĩ đại cho đến cùng trái đất.

Tiên tri Mi-chê đã nói trước rằng từ Bết-lê-hem Ép-ra-ta sẽ ra một đấng lãnh đạo vĩ đại của dân tộc Y-sơ-ra-ên. Đấng lãnh đạo này sẽ nhờ cậy vào sức mạnh của Chúa Trời Đức Gia-vê mà chăm sóc dân chúng như chăn giữ bầy chiên của mình, lúc đó dân chúng sẽ được ở yên ổn.

Ê-sai 9:6 – 7 6 Vì một con trẻ sẽ sinh ra cho chúng ta, một con trai sẽ được ban cho chúng ta; quyền cai trị sẽ ở trên vai của người. Người sẽ được xưng là Ðấng kỳ diệu, là Chúa Trời toàn năng, là Cha Ðời đời, là Chúa bình yên. 7 Quyền cai trị và sự bình yên của người cứ gia tăng không thôi ở trên ngôi Ða-vít và trên nước người, để dựng lên và gìn giữ nước trong sự công bằng và chính nghĩa, từ nay cho đến đời đời. Lòng sốt sắng của Gia-vê vạn quân sẽ làm nên sự ấy!

Trong đoạn Kinh Thánh trên, tiên tri Ê-sai báo trước rằng một vị vua vĩ đại sẽ xuất hiện, vua này sẽ nối ngôi của dòng dõi vua Đa-vít, quyền cai trị và sự bình yên của vua cứ gia tăng không thôi, và nước của vua là được thiết lập trên căn bản của công bằng chính nghĩa, nước của vua sẽ bền vững đời đời.

Những tiên tri khác cũng báo trước về người lãnh đạo vĩ đại này. Bởi vậy, dân tộc Y-sơ-ra-ên cứ mong chờ ông vua này, tức là đấng Mashiach, Con của Chúa Trời xuất hiện. Vào năm 586 trước công lịch, nước Giu-đa bị đại cường quốc Ba-by-lôn tiêu diệt, người dân bị đày qua nước Ba-by-lôn. Từ đó trở đi, dân tộc Y-sơ-ra-ên cứ bị các đại cường quốc thống trị, người dân cực khổ vô cùng. Nhưng cho dù cực khổ đến đâu đi nữa, họ vẫn có một niềm hy vọng trong lòng, họ tin rằng khi đấng Mashiach, Con của Chúa Trời xuất hiện thì họ sẽ được thoát khỏi đau khổ và được sống yên ổn.

Bởi vậy từ ngữ “Christ” (chữ Hê-bơ-rơ là Mashiach, chữ Hy Lạp là Christos) mang ý nghĩa là “Đấng Cứu Thế” và “Con của Chúa Trời”.

Lu-ca 2:11 11 Hôm nay tại thành Ða-vít, đã sinh ra cho các ngươi một Đấng Cứu Thế, là Christ, là Chúa.

Đoạn Kinh Thánh này chỉ ra rằng “Christ” (Christos) chính là Đấng Cứu Thế.

Giăng 20:31 31 Nhưng những điều nầy được ghi chép lại để các ngươi tin rằng Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế, Con của Chúa Trời, và nhờ đức tin đó các ngươi được sự sống trong danh Chúa.

Đoạn Kinh Thánh này chỉ ra rằng Đấng Cứu Thế (tức là Christos) chính là “Con của Chúa Trời”.

Giê-su Phục Sinh Rồi Mới Được Lập Làm Chúa Và Đấng Cứu Thế

Bây giờ tôi tổng hợp lại những điểm ở trên. Sứ đồ Phi-e-rơ nói rằng Chúa Trời đã lập Giê-su làm “Chúa” và “Christ”, có nghĩa là Giê-su có quyền hành trị vì muôn người và muôn loài trên trời, trên mặt đất , ở dưới mặt đất, và đồng thời là Đấng Cứu Thế.

Sau khi Chúa Giê-su phục sinh rồi, Chúa mới được chính thức lập làm “Chúa” và “Christ”. Trước kia khi Chúa Giê-su còn sống trên thế gian, người ta tuy xưng Giê-su là “Chúa”, là “Christ”, nhưng ấy chưa là chính thức. Lúc đó Chúa Giê-su thường tự xưng mình là “Con của loài người”, Chúa không tự xưng mình là “Chúa”, là “Christ”.

Tại sao Chúa Giê-su phải phục sinh rồi mới được chính thức lập làm “Chúa” và “Christ” ?

Tại vì Chúa Giê-su phải trở nên hoàn hảo trọn vẹn mới có thể làm Chúa trị vì muôn người, muôn loài và đồng thời là Đấng Cứu Thế cứu vớt loài người ra khỏi tội lỗi.

Giăng 8:34 34 Chúa Giê-su đáp rằng: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai phạm tội lỗi là nô lệ của tội lỗi.”

Ai phạm tội lỗi là nô lệ của tội lỗi. Giả tỉ Chúa Giê-su có phạm một tội lỗi nào đó, cho dù là một tội lỗi rất nhẹ, thì Chúa không phải là hoàn hảo trọn vẹn nữa, Chúa trở thành nô lệ của tội lỗi. Trong trường hợp này, tội lỗi là chủ, tức là ma quỉ là chủ, Chúa là nô lệ, vậy thì chẳng lẽ mọi đầu gối trên trời, trên mặt đất và ở dưới đất lại phải quì xuống trước cái danh của một tên nô lệ của tội lỗi chăng? (xin tham khảo đoạn Kinh Thánh Phi-líp 2:10 ở trên) Nếu Chúa trở thành nô lệ của tội lỗi thì làm sao mà Chúa có thể cứu vớt người dân ra khỏi tội lỗi được nữa ?

Chúa Giê-su phải sống một cuộc đời không phạm tội lỗi nào cả, Chúa vâng phục Chúa Trời Đức Gia-vê cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự. Rồi Chúa mới thực sự trở nên hoàn hảo trọn vẹn.

Hê-bơ-rơ 5:8 – 9 8 Dầu người là Con, người đã học tập vâng phục bởi những khốn khổ mình đã chịu, 9 và sau khi đã được làm nên trọn vẹn rồi, thì người trở nên nguồn gốc của sự cứu chuộc đời đời cho những kẻ vâng phục người.

Hơn nữa chính là sự chết của Chúa Giê-su đã phá vỡ quyền hành của ma quỉ và cứu thoát những người bị cầm giữ trong vòng nô lệ.

Hê-bơ-rơ 2:14 – 15 14 Bởi vậy, vì con cái có phần về huyết và thịt, nên Chúa cũng dự phần vào đó, hầu cho Chúa bởi sự chết của mình mà phá vỡ kẻ cầm quyền sự chết là ma quỉ, 15 và cứu thoát những người vì sợ chết mà bị cầm trong vòng nô lệ suốt đời.

Bởi vậy, khi Chúa Trời Đức Gia-vê cho Chúa Giê-su được sống lại, Ngài chính thức lập Chúa Giê-su làm “Chúa” và “Christ”, Đấng Cứu Thế của loài người.

Chúa Giê-su Được Lập Làm “Chúa” Và “Christ” Many Ý Nghĩa Gì Đối Với Cuộc Sống Của Chúng Ta?

Khi chúng ta kỷ niệm sự phục sinh của Chúa Giê-su, chúng ta hãy suy ngẫm về câu hỏi này: Chúa Giê-su được lập làm “Chúa” và Christ” mang ý nghĩa gì đối với cuộc sống của chúng ta?

Rô-ma 10:9 9 Vậy nếu miệng ngươi xưng Giê-su là Chúa và lòng ngươi tin rằng Chúa Trời đã khiến người từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu;

Đoạn Kinh Thánh này chỉ ra rằng chúng ta phải xưng Giê-su là “Chúa” và lòng ta tin rằng Chúa Trời đã khiến người từ kẻ chết sống lại, thì chúng ta mới được cứu. Nếu chúng ta không xưng Giê-su là “Chúa”, cho dù chúng ta tin rằng người đã được sống lại từ kẻ chết, chúng ta vẫn không được cứu chuộc.

Khi chúng ta xưng Giê-su là “Chúa”, thì Chúa Giê-su có quyền hành cai quản chúng ta, chúng ta phải vâng phục Chúa.

Lu-ca 6:46 46 Tại sao các ngươi gọi ta: “Chúa, Chúa,” mà không làm theo lời ta nói?

1 Phi-e-rơ 3:6 6 như Sa-ra vâng phục Áp-ra-ham, gọi người là chúa mình. Các chị em trở nên con gái của bà nếu các chị em làm điều phải và không để mối kinh hoàng nào làm cho mình sợ hãi.

Ngày nay, phần nhiều Tín Đồ Cơ Đốc chỉ nhấn mạnh về sự cứu chuộc của Chúa Giê-su, mà không muốn nói về việc vâng phục Chúa Giê-su. Có một số người thậm chí nói rằng chúng ta không cần làm theo lời của Chúa Giê-su, chúng ta chỉ cần tin là đủ rồi. Tôi không biết từ đoạn Kinh Thánh nào mà họ rút ra những lời như vậy, đó là hoàn toàn sai lầm, trái ngược hẳn lời dạy của Chúa Giê-su và lời dạy của các sứ đồ. Tôi cảnh cáo những người Tín Đồ Cơ Đốc này, sự cứu chuộc đời đời là cho những kẻ vâng phục Chúa Giê-su (xin thảm khảo Hê-bơ-rơ 5:8 – 9 ở phần trên). Nếu các anh chị em xưng Chúa Giê-su là “Chúa”, nhưng lại không vâng phục lời dạy của Chúa, vào Ngày Phán Xét Chúa sẽ nói cùng các anh chị em rằng: “Tại sao các ngươi gọi ta: “Chúa, Chúa,” mà không làm theo lời ta nói?” (Lu-ca 6:46 ở phần trên)

Nếu Chúa Giê-su không phải là Chúa của chúng ta, thì Chúa cũng không phải là Đấng Cứu Thế của chúng ta. Tôi không phải nói rằng Chúa Giê-su không phải là Đấng Cứu Thế. Tôi nói rằng nếu chúng ta không tôn Chúa Giê-su là Chúa của đời ta, có nghĩa là nếu ta không vâng phục Chúa thì ta không được cứu chuộc.

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church