You are here

Phó Thác Hoàn Toàn (3)

Phó Thác Hoàn Toàn (3)

Giàu Sang Là Căn Nguyên Của Sự Đần Độn Thuộc Linh

Dựa trên tài liệu trong quyển sách “Totally Committed” của Mục Sư Trương Hy Hòa Bà Mục Sự Châu Huệ Hiền biên soạn


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Sự Mù Mịt Và Sự Điếc Lác Thuộc Linh

Chúa Giê-su nhiều lần nói về tình trạng của những người có mắt nhưng không thấy, có tai nhưng không nghe. Tại sao vậy? Bây giờ chúng ta hãy suy ngẫm về vấn đề này để sửa soạn cho bài giảng này. Tại sao những người này có mắt nhưng không thấy được chuyện thuộc linh, có tai nhưng không nghe gì hết khi họ đọc lời của Chúa Trời? Đối với những người này thì học tập Kinh Thánh là uổng phí thì giờ. Ấy là tựa như đưa một người mù đến rạp hát, cho dù biểu diễn trên sân khấu là tuyệt vời, nhưng nó không thấy gì hết; hoặc là tựa như dắt một người không biết thưởng thức âm nhạc đi dự buổi hòa nhạc.

Y-sơ-ra-ên là người dân của Chúa Trời, nhưng Chúa Giê-su nói rằng họ có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe.

Ma-thi-ơ 13:13 – 15 13 Bởi vậy ta nói cùng chúng bằng ví dụ; tại vì họ nhìn mà không thấy được, lắng tai mà không nghe được, và cũng không hiểu gì hết. 14 Vậy lời tiên tri của Ê-sai nói về họ đã được ứng nghiệm rằng: “Các ngươi sẽ lắng tai nghe nhưng không hiểu; sẽ nhìn nhưng không thấy. 15 Vì lòng dân nầy đã cứng cỏi; tai đã nặng, mắt nhắm kín, bằng không họ sẽ thấy bằng mắt của mình, nghe bằng tai của mình, và hiểu bằng tâm linh của mình và quay trở lại, và ta sẽ chữa cho họ được lành.”

Nếu mắt của họ thấy được, tai của họ nghe được và nếu họ quay trở về Chúa Trời, thì Ngài sẽ chữa lành họ. Đó là quan trọng hơn nghe buổi hòa nhạc hay ngắm coi biểu diễn trong rạp hát. Câu hỏi quan trọng là bạn có được chữa lành không, có nghĩa là bạn có được cứu chuộc không, tại vì nếu tâm linh của bạn không được chữa lành thì bạn sẽ bị hư mất.

Trong Mác 4:12, Mác 8:18 và Lu-ca 8:10, Chúa Giê-su lại nói về chuyện này – nhìn nhưng không thấy được, lắng tai nhưng không nghe được. Sứ đồ Giăng cũng nói về những người Do Thái bằng những từ ngữ này trong Giăng 12:40, và sứ đồ Phao-lô cũng nói tương tự như vậy trong Công Vụ Các Sứ Đồ 28:26 và Rô-ma 11:8. Kinh Thánh đã nhiều lần đề cập đến tình trạng này, bởi vậy chúng ta phải để ý về sự mù mịt và sự điếc lác thuộc linh.

Trong đoạn Kinh Thánh Ma-thi-ơ 13:13 – 15 ở trên, Chúa Giê-su trích dẫn lời của tiên tri Ê-sai trong Cựu Ước. Đó là tình trạng của nước Y-sơ-ra-ên trong thời của Ê-sai, mà trong thời của Chúa Giê-su tình trạng của Y-sơ-ra-ên cũng tương tự như vậy, và ngày nay tình trạng của hội thánh cũng không khác gì hết. Đoạn Kinh Thánh mà Chúa Giê-su trích dẫn là:

Ê-sai 6:10 – 11 10 Hãy làm cho dân ấy béo lòng, nặng tai, nhắm mắt, e rằng mắt chúng thấy được, tai chúng nghe được, lòng chúng hiểu được, chúng quay trở lại và được chữa lành.” 11 Tôi nói: “Lạy Chúa, cho đến khi nào?” Ngài đáp rằng: “Cho đến khi các thành bị tàn phá, không có dân ở, nhà không có người, và đất hoang vắng cả;”

Tàn phá và hoang vắng là hậu quả của mù mịt và điếc lác thuộc linh. Tình trạng không nghe được sẽ dẫn đến tàn phá. Vậy tại sao những người này bị mù mịt và điếc lác thuộc linh? Căn nguyên của bịnh tật thuộc linh là cái gì?

Trong đoạn Kinh Thánh trên Ê-sai 6:10 – 11, tiết 10 ghi rằng: “dân ấy béo lòng.” Hai chữ “béo lòng” khiến chúng ta nghĩ đến chất béo tích lũy trong động mạch làm cản trở sự tuần hoàn của máu và khiến trái tim ngừng đập.

Nhưng lẽ dĩ nhiên Ê-sai không phải nói về những chuyện trong y khoa, chúng ta phải tìm hiểu tiên tri đang nói về điều gì. Sách chú giải Kinh Thánh tốt nhất lại chính là quyển Kinh Thánh. Một phương cách đi sâu vào trong ý nghĩa của một chữ trong một đoạn Kinh Thánh là đi tìm xem chữ này được sử dụng như thế nào trong những đoạn Kinh Thánh khác.

Béo Lòng

Phục Truyền Luật Lệ Ký 31:20 20 Vì khi ta đưa dân nầy vào xứ tràn trề sữa và mật, là xứ mà ta đã thề hứa cùng các tổ phụ chúng nó, và chúng nó đã ăn no nê và mập béo, rồi chúng sẽ quay đi hầu việc các thần khác, khinh dể ta và bội giao ước của ta.

Người dân Y-sơ-ra-ên sắp đi vào mảnh đất tràn trề sữa và mật. Cũng như dân Do Thái ngày này, chúng là những người siêng năng. Khi chúng được một mảnh đất phì nhiêu và một hoàn cảnh thích hợp, chúng sẽ sản xuất rất nhiều, và chẳng bao lâu thì chúng trở nên giàu sang. Rồi chuyện gì xảy ra? Chúa Trời biết rằng chúng sẽ rời bỏ Ngài và giao ước của Ngài, và quay đi hầu việc các thần khác.

Chúa Trời báo trước cho Môi-se biết những chuyện người dân Y-sơ-ra-ên sẽ làm. Chúng còn chưa đi vào xứ hứa hẹn, nhưng Ngài thấy trước rằng chúng sẽ trở nên giàu sang, rồi quay đi phản bội Ngài.

Trong chương sau, Môi-se cũng nói những chuyện tương tự như vậy.

Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:15 15 Giê-su-run đã mập mạp và tung chân đá, Ngươi trở nên mập, lớn và béo tròn. Người đã lìa bỏ Chúa Trời, là Ðấng dựng nên người, và khinh dể hòn đá của sự cứu chuộc của người.

“Giê-su-run” là một tên khác của Y-sơ-ra-ên, mang ý nghĩa là “công nghĩa” hay “kẻ công nghĩa”. Đáng lẽ dân Y-sơ-ra-ên phải là công nghĩa, nhưng khi chúng trở nên giàu sang, chúng lìa bỏ Chúa Trời. Chúng thậm chí “khinh dể” hòn đá của sự cứu chuộc của chúng.

Môi-se đang nói cùng dân Y-sơ-ra-ên, người dân của Chúa Trời. Chính người dân của Chúa Trời lìa bỏ Ngài khi chúng trở nên giàu sang. Sự giàu sang khiến tấm lòng của chúng phản nghịch lại Chúa Trời đúng như cách Ê-sai mô tả vậy. Lòng của chúng trở nên béo mập, mắt của chúng không thấy được và tai của chúng không nghe được nữa. Chúng mắc bịnh tật thuộc linh, đó là một tình trạng nguy hiểm nhất. Quả thật, Y-sơ-ra-ên không được chữa trị, mãi đến khi chúng bị hoàn toàn hoang vu. Bộ Cựu Ước Kinh Thánh đã ghi lại hậu quả sau cùng của mù mịt và điếc lác thuộc linh là hủy diệt. Sự giàu sang là căn nguyên của mù mịt và điếc lác thuộc linh, tấm lòng trở nên đần độn và thiếu nhậy cảm đối với Chúa Trời.

Phản Nghịch

Ê-xê-chi-ên 12:2 2 Hỡi con của loài người, ngươi ở giữa một nhà phản nghịch, chúng có mắt để thấy nhưng không thấy, có tai để nghe nhưng không nghe; vì chúng là nhà phản nghịch.

Sự phản nghịch của người dân đã khiến họ mù mịt và điếc lác, đó là hậu quả đáng sợ của giàu sang. Trong Kinh Thánh, kẻ nào phạm tội phản nghịch thì sẽ bị xử tử hình.

Phục Truyền Luật Lệ Ký 21:18 – 21 18 Nếu ai có một đứa con cứng đầu và phản nghịch, không vâng lời cha mẹ, và mặc dù bị trừng phạt, nó vẫn không chịu nghe lời, 19 thì cha mẹ phải bắt nó và dẫn đến trước mặt các trưởng lão của thành mình tại cổng thành. 20 Cha mẹ sẽ nói cùng các trưởng lão của thành mình rằng: “Nầy con chúng tôi là cứng đầu và phản nghịch, nó không vâng lời chúng tôi, là kẻ hoang đàng say sưa.” 21 Rồi dân chúng thành ấy sẽ ném đá cho nó chết; như vậy ngươi sẽ cất sự ác khỏi giữa mình, và cả Y-sơ-ra-ên sẽ nghe điều đó và sợ hãi.

Nếu người con là phản nghịch, cả cha mẹ của nó cũng không tha nó cho khỏi chết. Các bạn hãy để ý hai từ ngữ quan trọng trong đoạn Kinh Thánh này – “cứng đầu” và “phản nghịch”.

Nhưng trong bộ Kinh Thánh, chúng ta không thấy người ta áp dụng luật lệ này bao giờ, chỉ có một trường hợp đặc biệt mà luật lệ này được chấp hành. Cho dù người con là phản nghịch đến đâu đi nữa, nhưng có cha mẹ nào lại thật sự bắt con mình đến trước cổng thành và để nó chịu xử tử hình. Không có cha mẹ nào muốn làm điều này. Ngoại trừ một trường hợp, ấy là Chúa Trời đã chấp hành luật lệ này, cho dù người Con của Ngài không có phạm tội lỗi gì hết. Ngay câu kế tiếp của đoạn Kinh Thánh trên nói rằng:

Phục Truyền Luật Lệ Ký 21:22 22 Khi một người phạm tội đáng chết, bị xử tử, và bị treo trên cây

Phao-lô áp dụng câu Kinh Thánh này để chỉ về Chúa Giê-su: “Đáng rủa thay cho kẻ bị treo trên cây gỗ.” (Ga-la-ti 3:13). Trong Tân Ước, “cây” là tượng trưng cho thập giá. Kinh Thánh dạy rằng: “Ngài đã không tiếc Con mình nhưng đã phó Con ấy vì hết thảy chúng ta” (Rô-ma 8:32). Câu Kinh Thánh này chứng tỏ rằng Chúa Trời đã phó thác hoàn toàn cho chúng ta.

Cho dù chúng ta đáng bị xử tử vì tội lỗi của mình, nhưng Chúa Trời không tiếc Con mình để cứu chuộc chúng ta. Nhưng nếu Chúa Trời đã không tiếc Con mình, thì Ngài cũng sẽ không tiếc chúng ta khi chúng ta phản nghịch lại Ngài.

Chúa Trời đã không tiếc Y-sơ-ra-ên: “Vì nếu Chúa Trời chẳng tiếc các nhánh tự nhiên thì Ngài cũng sẽ không tiếc ngươi” (Rô-ma 11:21). “Nhánh tự nhiên” là chỉ về Y-sơ-ra-ên, chữ “ngươi” là chỉ về những Tín Đồ Cơ Đốc thuộc dân ngoại bang. Chúng ta đừng nghĩ rằng ta là con cái của Chúa Trời, ta chắc được khoan dung cho dù ta sống một cuộc đời bất công nghĩa. Các bạn hãy ghi nhớ rằng Chúa Trời không tiếc người Con công nghĩa của mình. Nếu bạn là phản nghịch, bạn tuy có mắt nhưng không thấy, tuy có tai nhưng không nghe, căn cứ theo lời dạy trong Kinh Thánh, Chúa Trời cũng sẽ không tiếc bạn.

Của Cải

Ma-thi-ơ 6:19 – 24 19 Các ngươi đừng tích trữ của cải trên trái đất, là nơi có sâu mối, ten rét làm hư, và kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy. 20 Nhưng hãy tích trữ của cải ở trên trời, là nơi chẳng có sâu mối, ten rét làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy. 21 Vì của cải ngươi ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó. 22 Con mắt là đèn của thân thể, vậy nếu mắt ngươi tốt thì cả thân thể ngươi sẽ được sáng láng; 23 nhưng nếu mắt ngươi xấu, thì cả thân thể sẽ tối tăm. Vậy, nếu ánh sáng trong ngươi chỉ là tối tăm, thì sự tối tăm nầy sẽ lớn biết là dường nào! 24 Chẳng ai có thể hầu việc hai chủ; vì sẽ ghét người nầy mà yêu người kia, hoặc trọng người nầy mà khinh người kia. Các ngươi không thể thờ phượng Chúa Trời lại thờ phượng ma-môn nữa.

“Ma-môn” là chữ Aramaic, có nghĩa là của cải như: vàng, bạc, ruộng đất, tài sản v.v. Aramaic là thứ ngôn ngữ được dùng trong Y-sơ-ra-ên và vùng xung quanh trong thời của Chúa Giê-su.

Chúa Giê-su nói rằng ngươi tích trữ của cải ở đâu, thì lòng ngươi cũng ở đó. Nếu bạn tích trữ của cải trên trái đất, thì lòng của bạn sẽ ở trên trái đất. Nếu bạn tích trữ của cải ở trên trời, bạn sẽ nghĩ về của cải ở trên trời. Nhưng bạn không thể phó thác cho hai người chủ. Bạn không được thờ phượng Chúa Trời và ma-môn, vậy bạn phải lựa chọn một trong hai chủ này. Phó thác cho hai bên là không thể làm được, tại vì chỉ dẫn đến phó thác một phần thôi, nhưng phó thác một phần rốt cuộc là không phó thác.

Mê Tín Và Thờ Cúng Ma-môn

Cuốn tạm chí của nước Mỹ “Time” có một bài bình luận về nhà lầu của Ngân Hàng Trung Quốc ở Hong Kong, trong bài đó có một câu khá lý thú: “Tin tường về phong thủy và kèm theo sự thờ cúng ma-môn, ấy là tôn giáo quan trọng nhất của Hong Kong.” Các tác giả và biên tập của tạp chí “Time” nhận thấy rằng tôn giáo của Hong Kong là thờ cúng ma-môn, tiền bạc và tài sản. Và hậu quả là nhiều người tin tưởng vào phong thủy. Những ông thầy phong thủy ở Hong Kong nói rằng phong thủy của nhà lầu Ngân Hàng Trung Quốc không tốt.

Tôi nhận thấy rằng những người yêu tiền bạc và thờ cúng ma-môn thường là mê tín. Tôi nghĩ rằng không phải chỉ người Hong Kong thờ cúng ma-môn, người Tây Phương cũng như vậy thôi. Ở các nước Tây Phương, các báo chí đều có mục số tử vi. Mỗi buổi sáng có nhiều người phải đọc số tử vi của mình để coi họ nên làm điều gì hay không nên làm điều gì trước khi họ đi ra ngoài đường.

Mê tín là lan tràn. Có người tin rằng đi dưới một cái lầu thang hay là đi đường gặp một con mèo đen là chuyện xui. Có người nghĩ rằng con cố 13 là vận rủi. Có nhiều nhà lầu không có tầng 13, thang máy từ tầng 12 nhảy tới tầng 14. Khi tôi ở Y-sơ-ra-ên, tôi ở cùng một người bạn trong một nhà lầu số 13, tầng 13, buồng số 52 (4x13=52).

Lời dạy của Kinh Thánh về sự giàu sang khiến người ta rất ngạc nhiên. Bộ Tân Ước bác bỏ sự giàu sang. Lý do thì rất hiển nhiên. Giàu sang khiến tấm lòng béo mập, ấy là một bịnh tật thuộc linh khiến mắt của chúng ta trở nên mù mịt thuộc linh, và tai chúng ta điếc lác thuộc linh. Điều đó không phải chỉ là lý thuyết, nhưng là sự thật. Bởi vậy trừ phi chúng ta sẵn sàng đối phó vấn đề này, bằng không thì đừng nói đến chuyện phó thác cho Chúa Trời nữa. Trong Ma-thi-ơ 6:24, Chúa Giê-su dạy rằng chúng ta không thể phó thác cho Chúa Trời và đồng thời lại phó thác cho giàu sang.

Tin Lành Giả Dối: Tin Vào Chúa Trời Và Trở Nên Giàu Sang!

Jim Bakker và Tammy Faye Bakker là hai trong nhiều thầy cô truyền đạo Cơ Đốc đã bóp méo Tin Lành, họ nói rằng bạn có thể thờ phượng Chúa Trời và trở nên giàu sang. Họ dạy rằng chẳng những thờ phượng Chúa Trời là phù hợp với thờ phượng ma-môn, mà họ còn nói rằng nếu bạn thờ phượng Chúa Trời, bạn sẽ được rất nhiều tiền bạc! Tin vào Chúa Trời là phương cách để trở nên giàu sang. Tin lành này có phải là hay quá không? Nếu bạn truyền giảng Tin Lành này, bạn chắc được vô số người tin theo.

Về một mặt khác, lời giảng như vậy cũng có một phần là đúng, nhưng không phải theo như cách chúng ta nghĩ. Để tôi giải thích rõ hơn về điểm này. Tôi có một người bạn thân làm buôn bán thương mại. Trước khi ông này trở thành một người Tín Đồ Cơ Đốc, ông mở một cửa hàng. Cửa hàng của ông cũng tạm được, nhưng phát triển rất chậm trong một vài năm trời.

Khi ông trở thành một người Tín Đồ Cơ Đốc thì bất thình lình kinh doanh của ông bắt đầu tăng lên. Ông phải mướn thêm nhiều người làm việc. Rồi một công ty ở nước Mỹ cho ông độc quyền bán sản phẩm của họ và là kẻ đại diện duy nhất cho công ty đó trong cả nước. Đó có nghĩa là hết thảy mua bán sản phẩm của công ty nước Mỹ đó đều phải qua cửa hàng của ông này. Công ty Mỹ đề nghị với ông hãy lập ra các chi nhánh trên khắp nước để đại diện cho sản phẩm của họ. Vậy cửa hàng nho nhỏ của ông này tự nhiên trở thành một đại kinh doanh toàn quốc.

Bạn nghĩ rằng ông này chắc mừng lắm chứ. Vậy lời giảng của hai ông bà Bakker là đúng: tin vào Chúa Trời và trở nên giàu sang!

Tôi cảm tạ Chúa Trời, dù sao đi nữa người bạn này của tôi nhận thức khá rõ. Ông hơi hoài nghi về chuyện này. Ông nói với tôi rằng: “Trước khi tôi trở thành một người Tín Đồ Cơ Đốc, tôi thường mơ ước những chuyện như vậy. Nhưng bây giờ tôi là một người Tín Đồ Cơ Đốc, tôi không thấy vui mừng về chuyện này nữa.” Tôi hỏi ông tại sao không vui mừng, ông nói rằng: “Tại vì bây giờ tôi bận quá không có thì giờ yên tịnh để đọc Kinh Thánh và cầu nguyện.” Rồi ông nói rằng: “Tôi muốn ngưng cuộc kinh doanh này.” Các bạn nghĩ sao về tình trạng của ông này? Nếu Chúa Trời là Đấng ban phước lành cho ông và cho ông thành công trong việc kinh doanh, tại sao ông lại không vui mừng về điều này? Nhưng ông quả thật không vui mừng gì cả.

Sa-tan Cám Dỗ Bằng Giàu Sang

Có phải là bạn tôi không biết tạ ơn Chúa Trời đã ban cho ông thành công trong việc kinh doanh chăng? Các bạn nghĩ sao về vấn đề này? Đó có phải là một phước lành do Chúa Trời ban cho không? Cả chuyện này thì không phải đơn giản đâu. Để tôi cảnh cáo bạn, khi bạn tin vào Chúa Trời thì Sa-tan sẽ cám dỗ bạn bằng giàu sang. Căn cứ vào đoạn Kinh Thánh nào mà tôi nói như vậy? Ngay sau khi Chúa Giê-su chịu phép báp-tem, Sa-tan đến tặng cho Chúa cả thế gian nếu Chúa từ bỏ sự phó thác cho Chúa Trời. Chúng ta hãy tưởng tượng Sa-tan đã nói với Chúa Giê-su hay nói với bạn tôi rằng: “Đừng có ngu dại. Ta tặng cho bạn cả thế gian và khiến bạn trở nên giàu sang! Bạn vừa mới chịu phép báp-tem, nhưng điều tôi tặng cho bạn thì không có hủy bỏ báp-tem của bạn đâu.”

Sa-tan thì khôn lắm, nó biết rằng khiến bạn trở nên giàu sang là phương cách khiến bạn mắc bịnh tim thuộc linh. Hơn nữa, nó sẽ giả mạo thành một người khác. Những người Tín Đồ Cơ Đốc không nhận thức rõ rệt sẽ bị lừa gạt và nghĩ rằng: “Chúa Trời đã ban phước cho tôi!” Sa-tan thử lừa gạt bạn tôi bằng cách này. Sau khi bạn tôi chịu phép báp-tem, tự nhiên kinh doanh của ông tăng vụt lên. Nhưng ông nhận thấy chuyện này kỳ quá, tại vì ông biết rằng Chúa Trời không làm những chuyện như vậy. Ông nghi ngờ rằng ấy là Sa-tan tặng giàu sang cho mình.

Sa-tan có quyền năng khiến bạn trở nên giàu sang. Đó là một điều khẳng định. Bởi vậy Sa-tan có thể tặng cả thế gian cho Chúa Giê-su.

Ma-thi-ơ 4:8 – 9 8 Ma quỉ lại đem Chúa lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Chúa tất cả các nước trên thế gian cùng sự vinh hiển các nước ấy. 9 Nó nói với Chúa rằng: “Nếu ngươi quỳ xuống mà thờ lạy ta, thì ta sẽ cho ngươi hết thảy mọi sự nầy.”

Quà tặng này có tốt không? Bạn có hề kiếm được cả thế gian trong một vài giây không? Tiền lương hiện giờ của bạn là bao nhiêu? Cho dù hiện giờ bạn là khá sung túc rồi, nhưng tài sản của bạn thì không ra gì hết so với số tiền mà Sa-tan tặng cho bạn. Sau khi tôi nhận biết Chúa Trời Gia-vê, tôi từng trải bao nhiêu cám dỗ của Sa-tan. Tôi rất ngạc nhiên về những điều mà thế gian muốn tặng cho tôi. Mãi đến hôm nay, tôi vẫn không hiểu những điều này từ đâu mà có, dù sao tôi cũng đã từ chối hết thảy những điều này.

Con Đường Rộng

Khi tôi rời khỏi Trung Quốc (xin đọc “Bài Làm Chứng Của Mục Sư Trương Hy Hòa” để tìm hiểu kinh lịch của mục sư), chính phủ cho phép tôi đem theo 10 đồng tiền Trung Quốc, tất cả mọi vật khác đều phải để lại ở Trung Quốc. Sau khi tôi dùng số tiền 10 đồng để mua vé xe lửa, tôi gần như không có đồng xu nào cả trong túi. Khi tôi đến trạm xe lửa ở Kowloon của Hong Kong, tôi suy ngẫm làm sao mà có thể đi đến nhà trọ của hội thánh. Rốt cuộc có một vị trưởng lão của hội thánh tôi ở Thượng Hải đến trạm xe lửa rước tôi và đưa tôi đến nhà trọ.

Ít lâu sau khi tôi đến Hong Kong, có một vị phu nhân vui lòng ban cho tôi một học bổng vô điều kiện đi học tập ở nước Mỹ.

Tôi hỏi vị phu nhân ấy rằng: “Lạ quá! Từ lâu mà bà biết được tên tuổi tôi? Tôi mới đến từ Trung Quốc.”

Bà nói rằng: “Vâng, chúng tôi đã nghe người ta nói về cậu.”

Tôi hỏi rằng: “Có điều kiện gì không? Tôi phải làm cái gì cho quí vị để nhận lấy học bổng này?”

Các bạn có hề nghe rằng chính phủ nước Mỹ muốn ban học bổng cho một người mới ra khỏi Trung Quốc không? Bà ấy là một người truyền giáo đại diện cho chính phủ Mỹ đến thương thuyết với tôi về học bổng này.

Bà ấy cho tôi biết rằng: “Không có điều kiện gì cả.”

Trong lòng tôi hoài nghi lắm, tôi bèn hỏi rằng: “Quí vị ban cho tôi một học bổng vô điều kiện đi học tập ở nước Mỹ? Quí vị chắc có một mục đích chứ. Thông thường người ta không có tặng tiền bạc một cách vô điều kiện như vậy đâu.”

Họ nói rằng: “Không có điều kiện gì hết. Cậu không cần hoàn trả lại món tiền này đâu. Chúng tôi không muốn lấy bất cứ cái gì của cậu. Chúng tôi chỉ xin cậu làm một người bạn của nước Mỹ thôi.”

Tôi nói rằng: “Chỉ một điều như vây thôi ư?”

Họ nói rằng: “Chỉ một điều này thôi.”

Tôi nói rằng: “Tôi mới rời khỏi Trung Quốc. Bằng cách nào mà tôi có thể nhập cảnh nước Mỹ?” Hồi đó giữa hai nước này không có quan hệ ngoại giao.

Họ nói rằng: “Chúng tôi sẽ lo liệu tất cả mọi việc, thị thực và các giấy tờ. Cậu không cần phải lo nghĩ về những điều này.”

Tôi nói rằng: “Nếu tôi muốn học y khoa ở nước Mỹ thì cần 7 hay 8 năm trời. Quí vị có suy tính món tiền đó là bao nhiêu không?”

Họ nói rằng: “Không thành vấn đề gì cả.”

Tôi nói rằng: “Nếu tôi muốn học đến bằng cấp tiến sĩ, 10 năm trời.”

Họ nói rằng: “10 năm cũng chẳng sao.”

Tôi nói rằng: “Tôi phải đi vào đại học nào?”

Họ nói rằng: “Bất cứ đại học nào cậu muốn.”

Như vậy nếu tôi lựa Harvard cũng được, hay lựa MIT cũng được. Khó tín quá! Chính phủ sẽ lo liệu mọi việc. Chỉ một điều kiện duy nhất là làm một người bạn của nước Mỹ thôi.

Tôi nói rằng: “Quí vị coi này, tôi chỉ là một người trẻ tuổi mới rời khỏi Trung Quốc. Tôi không có địa vị gì hết. Tại sao tình bạn hữu của tôi lại quan trọng như thế? Tôi không hiểu.”

Bà phu nhân ấy nói rằng: “Tại vì chúng tôi biết rằng cậu sẽ trở nên một người lãnh đạo của dân chúng của cậu.”

Tôi nói rằng: “Như vậy, quí vị rất là thông minh.”

Mua tình bạn bè trong lúc họ cần thiết thì chắc là thông minh lắm. Chúa Giê-su cũng có nói về chuyện kết bạn bằng ma-môn bất nghĩa (Lu-ca 16:9). Kết bạn là cực kỳ quan trọng trên đời này. Cho dù tôi học đại học 10 năm, số tiền chi phí chỉ là khoảng vài chục ngàn đô thôi. Số tiền như vậy là rất nhỏ đối với chính phủ nước Mỹ, họ thường xuyên tặng cho vài tỷ đô trong việc viện trợ nước ngoài. Hơn nữa, tiền chi phí vài chục ngàn đô là cho 10 năm, chi phí mỗi năm chỉ là khoảng vài ngàn đô thôi, đó là căn cứ theo vật giá năm 1956 khoảng năm mươi mấy năm trước đây. Món tiền này thì rất nhỏ so với ngân sách vài tỷ đô của chính phủ. Nhưng bằng món tiền nhỏ này họ có thể mua được một người bạn cho tương lai.

Tôi không hiểu tại sao họ nghĩ rằng tôi sẽ là một người lãnh đạo. Có phải là về phương diện tài năng không? Họ có khả năng quan sát rất cao về những việc trên đời này. Chính Chúa Giê-su nói rằng: “con đời nầy trong việc thông công với người đồng đời mình thì khôn khéo hơn con sáng láng.” (Lu-ca 16:8) – có nghĩa là người đời trên thế gian là khôn khéo hơn Tín Đồ Cơ Đốc. Tôi đã nhận thấy rằng những kẻ không tin vào Chúa Trời thường rất khôn khéo và xảo quyệt trong những việc làm của họ.

Vậy giàu sang của thế gian là trình dâng lên cho tôi. Người ấy hỏi rằng: “Cậu có muốn nhận không?”

Tôi nói rằng: “Trong bất cứ việc gì tôi đều phải cầu xin chỉ thị của Chúa Trời. Tôi sẽ xin Ngài cho tôi biết có nên nhận lấy học bổng này hay không, rồi tôi sẽ trả lời bà.”

Bà nói rằng: “Được.”

Tôi trở về nhà trọ và quỳ xuống trước mặt Chúa Trời cầu nguyện rằng: “Cha ơi, học bổng này có phải là Cha ban cho con không?” Lúc đó tôi không có tiền cũng không có việc làm. Tôi vừa mới ra khỏi Trung Quốc, và lúc đó có vô số dân tỵ nạn ở Hong Kong, họ cũng không có việc làm và nghèo khổ lắm. Tình trạng đó thật là hổn loạn và thê thảm. Mà bây giờ tôi được ban cho một cơ hội bằng vàng mà rất ít người trên thế giới nhận được.

Tôi cầu nguyện với Chúa Trời, rồi Ngài trả lời rằng: “Không.” Tôi không có tiền cũng không việc làm, nhưng Ngài nói “không” là không.

Một vài ngày sau tôi lại gặp người truyền giáo này, tôi nói cùng bà rằng: “Tôi rất cảm tạ lòng nhân từ của quí vị ban học bổng cho tôi. Nhưng Chúa Trời không cho phép tôi nhận lấy học bổng này.”

Người truyền giáo đó rất ngạc nhiên, nhưng bà không có tức giận gì cả. Bà chỉ nói rằng: “Học bổng này là dành riêng cho cậu, cậu có thể nhận lấy bất cứ lúc nào cũng được.”

Học bổng này là tuyệt vời! Tôi nói rằng: “Thiệt ư? Giả tỷ 10 năm sau ư?”

“Thiệt, cho dù là 10 năm sau. Học bổng này là lúc nào cũng sẵn sàng cho cậu. Vậy bất cứ lúc nào cậu đổi ý, cậu cứ cho tôi biết, rồi cậu có thể nhận lấy học bổng này.”

Nhưng tôi không có nhận lấy học bổng đó. Tôi lựa chọn đi lên con đường nghèo khổ dài dài. Trong suốt nhiều năm sau sự kiện này, tôi sống một cuộc đời rất nghèo khổ. Nhiều lúc tôi không có một xu trong túi. Nhưng tôi không hề ân hận và cũng không hề ngẫm nghĩ nên đổi ý mà nhận lấy học bổng đó. Tại vì Chúa Trời đã nói “không”, ấy là quyết định sau cùng. Giả tỷ tôi nhận lấy học bổng đó thì tôi có một cuộc sống thoải mái phong phú. Nhưng tôi sẽ mất đi tất cả năng lực thuộc linh. Lòng tôi cũng trở nên béo mập, mắt tôi mù lòa, tai tôi điếc lác. Tôi sẽ là hoàn toàn vô dụng trong công việc của Chúa Trời. Có một con đường là rộng rãi và dễ đi, và con đường đi theo Chúa Trời là chật hẹp khó đi.

Tôi nhiều lần ngoảnh mặt quay ngược với thế gian, và tôi không hề ân hận. Khi tôi sắp tốt nghiệp học tập ở London của nước Anh, lại có một món quà tặng khác. Giáo sư của tôi đề nghị rằng tôi nên theo học bằng cấp tiến sĩ. Ông giáo sư nói rằng tôi có thể làm phụ tá cho ông. Hình như ông muốn tôi nối tiếp công việc nghiên cứu của ông, và trong tương lai ông sẽ giao cho tôi chức vụ của ông. Tôi cảm tạ ông giáo sự, nhưng tôi nói cho ông biết rằng tôi không muốn theo học bằng cấp tiến sĩ, lúc đó tôi không phải học tập về Thần Học.

Trong những thời điểm tôi phải lập quyết định cho đời mình, có hai con đường ở trước mặt tôi, tôi phải lựa chọn con đường hẹp hay con đường rộng, có nghĩa là lựa chọn Chúa Trời hay là ma-môn. Mỗi lần tôi đều lựa chọn con đường khó khăn để đi theo Chúa Trời. Nếu tôi đã chọn con đường rộng rãi thì cuộc sống chắc dễ chịu hơn, nhưng Chúa Giê-su nói rằng chúng ta không thể vừa hầu hạ Chúa Trời lại vừa hầu hạ ma-môn.

Phước Cho Những Kẻ Nghèo Khổ Trong Tâm Linh

Bây giờ chúng ta tra khảo lời dạy trong Kinh Thánh về giàu sang. Kinh Thánh giảng dạy rất nhiều về đề tài này, nhưng hội thánh ngày nay lại rất ít nói về giàu sang theo đúng lời dạy trong Kinh Thánh. Trong hội thánh bạn không nghe thấy những bài giảng về giàu sang theo như Kinh Thánh đã dạy. Đó là tại vì mục sư nào cũng không muốn làm buồn lòng các thính giả. Kinh Thánh thường nói về sự giàu sang bằng một giọng phủ đỉnh. Nếu chúng ta muốn trung tín với Chúa Trời và lời của Ngài, chúng ta phải tra khảo một cách kỹ lưỡng.

Câu đầu tiên trong “Bài Giảng trên núi” là: “Phước cho những kẻ nghèo khổ trong tâm linh, vì nước Thiên Đàng là của những kẻ ấy” (Ma-thi-ơ 5:3). Xin để ý những chữ “nghèo khổ trong tâm linh”. Nhiều người rất thích 3 chữ “trong tâm linh” tại vì họ có thể nói rằng chỉ là nghèo khổ trong tâm linh thôi. Họ mong rằng một người nghèo khổ thuộc linh vẫn có thể giữ nhiều tiền bạc. Nhưng lời biện hộ này không được.

Bây giờ chúng ta đọc một đoạn Kinh Thánh để coi Chúa Giê-su có phải chỉ dạy về sự nghèo khổ thuộc linh thôi?

Ma-thi-ơ 11:5 5 Người mù được thấy, kẻ què được đi, người phung được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại và kẻ nghèo được nghe giảng Tin Lành.

Tin Lành được truyền giảng cho kẻ nghèo. Ở đây Chúa Giê-su trích dẫn đoạn Kinh Thánh ở Cựu Ước (Ê-sai 61:1). Trong Cựu Ước, khi nói đến kẻ nghèo là luôn luôn chỉ về những người nghèo khổ thật sự, chứ không phải chỉ là nghèo khổ thuộc linh.

A-mốt 2:6 – 7 6 Gia-vê phán như vậy: “Vì tội ác của Y-sơ-ra-ên đến gấp ba gấp bốn lần, ta không xây bỏ trừng phạt khỏi nó; vì chúng nó đã bán người công nghĩa để lấy bạc, bán kẻ nghèo lấy một đôi dép. 7 Chúng nó cũng tham cả đến bụi đất trên đầu người nghèo khó, và làm cong đường của kẻ nhu mì. Con và cha cùng đến chung một đứa gái, làm ô uế danh thánh sạch của ta.

Người nghèo khổ bị bán đi để đổi lấy một đôi dép. Rốt cuộc sự bốc lột kẻ nghèo dẫn đến tình hình đồi bại trụy lạc mô tả trong câu 7.

A-mốt 4:1 1 Hãy lắng nghe, hỡi những bò cái của Ba-san ở trên núi của Sa-ma-ri; các ngươi áp bức kẻ nghèo nàn, nghiền nát kẻ thiếu thốn, các ngươi nói cùng chồng các ngươi rằng: Hãy đem đến cho chúng ta cùng uống!”

Tiên tri A-mốt gọi một cách mỉa mai những đàn bà giàu sang là con bò cái của Ba-san. Ba-san là một chỗ có đồng cỏ xanh tươi cho những con bò cái ăn mập mạp no nê. Những đàn bà giàu sang này thường áp bức kẻ nghèo khổ và thiếu thốn.

A-mốt 5:11 – 12 11 Vì các ngươi chà đạp kẻ nghèo, và đòi họ nộp thuế lúa mì, bởi vậy dù các ngươi xây nhà bằng đá đẽo, nhưng các ngươi sẽ không được ở trong đó. Các ngươi đã trồng những vườn nho tươi tốt, nhưng các ngươi sẽ không được uống rượu nó. 12 Vì ta biết vi phạm các ngươi rất nhiều, và tội ác các ngươi thật lớn, các ngươi là kẻ hiếp đáp người công nghĩa, nhận lấy của hối lộ, ở nơi cửa thành bẻ cong lẽ thẳng của kẻ nghèo.

A-mốt 8:4 – 6 4 Hãy lắng nghe, các ngươi chà đạp những kẻ thiếu thốn, làm hao mòn những kẻ nghèo khổ trên đất. 5 Các ngươi nói rằng: “Khi nào ngày trăng mới sẽ qua, để chúng ta có thể bán lúa miến, và ngày sa-bát qua, để chúng ta mở kho lúa mì, để bớt ê-pha, thêm nặng siếc-lơ, và dùng cân dối giả để lừa gạt; 6 để chúng ta lấy bạc mua kẻ khốn cùng, lấy một đôi dép mua kẻ nghèo nàn, và bán cho đến lép lừng của lúa mì?

Các bạn có thấy giọng nghiêm khắc trong lời khiển trách của Chúa Trời không? Tiên tri A-mốt muốn nói về cái gì? Tại sao tiên tri lặp lại vài lần những chuyện áp bức kẻ nghèo khổ? Tiên tri A-mốt cảnh cáo rằng nước Y-sơ-ra-ên sẽ bị tiêu diệt bởi vì chúng đàn áp kẻ nghèo. Chúa Trời sẽ giáng trừng phạt trên Y-sơ-ra-ên.

A-mốt 8:7 – 8 7 Gia-vê chỉ sự kiêu hãnh của Gia-cốp mà phán lời thề nầy: “Ta chắc sẽ không bao giờ quên những việc làm của chúng nó! 8 Vì cớ ấy, đất há chẳng rúng động sao? Và mọi người sống trên đất há chẳng than khóc sao? Quả thật, cả đất sẽ dậy lên như Sông Nile, nó sẽ trào lên rồi rút xuống như sông Nile của Ai-cập.”

Chúa Trời sẽ chẳng bao giờ quên những việc ác chúng làm, trong câu 8 Ngài nói rằng nước Y-sơ-ra-ên sẽ bị tiêu diệt. Chúa Trời coi việc áp bức người nghèo khổ là một việc đáng ghét.

Bây giờ chúng ta tổng hợp lại những điểm ở trên. Đầu tiên, Chúa Giê-su nói rằng Tin Lành là cho những kẻ nghèo khổ (Ma-thi-ơ 11:5). Thứ hai, Chúa Giê-su trích dẫn đoạn Kinh Thánh từ Cựu Ước. Kẻ nghèo khổ trong Cựu Ước là luôn luôn chỉ về kẻ nghèo khổ thật sự, kẻ thiếu thốn về vật chất.

Chúng ta có thể so sánh đoạn Kinh Thánh ở Ma-thi-ơ 5:3 với đoạn Kinh Thánh ở Lu-ca chương 6.

Lu-ca 6:20 – 25 20 Chúa Giê-su ngước mắt nhìn các môn đồ, mà nói rằng: “Phước cho các ngươi nghèo khó, vì nước Chúa Trời thuộc về các ngươi! 21 Phước cho các ngươi hiện đang đói, vì các ngươi sẽ được no đủ! Phước cho các ngươi hiện đang khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui mừng! 22 Phước cho các ngươi vì cớ của Con của loài người mà người ta ghét, đuổi, mắng nhiếc các ngươi, và xóa bỏ tên các ngươi như đồ ô uế! 23 Hãy vui vẻ vào ngày đó, và hãy nhảy nhót mừng rỡ, vì phần thưởng các ngươi trên trời sẽ lớn lắm. Bởi vì tổ phụ họ cũng đối đãi các đấng tiên tri như thế. 24 Nhưng khốn cho các ngươi giàu có, vì các ngươi đã được yên ủi của mình rồi! 25 Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang no nê, vì các ngươi sẽ đói! Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang cười, vì các ngươi sẽ khóc lóc than vãn!

Nếu hai chữ “nghèo khó” trong câu 20 là chỉ nghèo khó thuộc linh, thì “giàu có” trong câu 24 cũng là chỉ về giàu có thuộc linh. Khi chúng ta được ban cho quyền năng để trở thành con cái của Chúa Trời, đó là sự giàu có thuộc linh và là một phước lành. Nhưng trong câu 24 Chúa Giê-su nói: “khốn cho các ngươi giàu có,” nếu hai chữ “giàu có” ở đây là chỉ về giàu có thuộc linh, thì chẳng lễ quyền năng để trở thành con cái của Chúa Trời lại là một chuyện khốn chăng? Và phước lành cũng trở nên khốn khổ chăng?

Điểm này chứng tỏ rằng trong câu 24, Chúa Giê-su đang nói về sự giàu có thật sự về vật chất, tương tự như vậy, trong câu 20 Chúa đang nói về sự nghèo khổ thật sự về vật chất. Hơn nữa trong Tân Ước, giàu sang là luôn luôn chỉ về sự giàu sang về vật chất.

Nhưng tại sao trong Ma-thi-ơ 5:3, Chúa Giê-su lại dùng từ ngữ “nghèo khổ trong tâm linh” thay vì từ ngữ “nghèo khổ”? Có một lý do quan trọng: Tại vì chỉ là nghèo khổ về vật chất thôi thì chưa chắc được Chúa Trời ban phước. Những người nghèo thường hay ham mộ giàu sang. Không phải chỉ người giàu mới ham tiền, thật ra người nghèo thường ham tiền còn hơn người giàu nữa. Chúa Giê-su dùng từ ngữ “nghèo khổ trong tâm linh” tại vì chỉ là nghèo khổ thì chưa đủ, mà còn phải có sự vui lòng để làm một người nghèo khổ, không ham mộ giàu sang. Nếu bạn là nghèo nhưng ham mộ giàu sang, thì bạn cũng không khác gì so với người giàu sang. Người giàu sang có rất nhiều tiền, còn người nghèo thì không có tiền, chỉ có một sự khác biệt như vậy thôi. Người nghèo mong được trở nên giàu có, họ mua xổ số hay đua ngựa v.v. Nếu tấm lòng của họ cứ đeo đuổi sự giàu sang thì họ sẽ không được Chúa Trời ban phước.

Chúng ta có thể tổng hợp những điểm trên bằng một câu như vậy: Một người nghèo chưa chắc là công nghĩa hay thuộc linh, nhưng một người công nghĩa hay thuộc linh thì chắc là một người nghèo.

Cuộc Sống Thật Tế

Phần nhiều người nghĩ rằng yêu tiền bạc thì không phải là một chuyện sai lầm. Chúng ta vẫn thường làm như vậy. “Tôi yêu tiền bạc nhưng tôi cũng yêu mến Chúa Trời, như vậy có cái gì sai lầm đâu?” Đó là một trong những trở ngại lớn nhất cho sự phó thác cho Chúa Trời.

Trong Ma-thi-ơ chương 6, Chúa Giê-su dạy bảo chúng ta đừng tích trữ của cải trên trái đất cho riêng mình, nhưng chúng ta vẫn thường làm như vậy. “Khi tôi mắc bịnh, tôi đâu có tiền để trả cho bịnh viện? Tôi cần một căn nhà để ở chứ. Tôi cần phải mua các đồ dùng trong nhà. Chẳng lẽ tôi ngồi ở ngoài đường sao? Khi bạn kết hôn và sinh con trẻ, bạn cần rất nhiều tiền. Bạn cần phải để dành tiền chứ, phải không? Không có tiền thì không có hôn nhân, không có con cái, không nhà cửa. Khi bạn đến tuổi già về hưu, ai nuôi dưỡng bạn? Bạn còn phải trông nom ba má chứ, và giáo dục cho con cái nữa. Nếu bạn không tích trữ tiền bạc, thì làm sao mà bạn có tiền để trả các món chi tiêu này?”

“Chúng ta chẳng nên sống thật tế trên đời này sao? Tại sao lại cứ mơ mộng những chuyện không thật tế? Hai bàn chân của chúng ta phải đứng chặt trên mặt đất. Không có tiền thì không thể sống trên thế gian này. Thảo luận về phó thác hoàn toàn cho Chúa Trời thì nghe hay lắm, nhưng tại vì chúng ta sống trên thế gian này, chúng ta phải rất thật tế. Khi bạn đi lên xe buýt, bạn phải trả vé xe. Chẳng lẽ bạn cứ đứng chờ coi có người hảo tâm trả cho bạn sao?”

“Cuộc sống của Tín Đồ Cơ Đốc là không thật tế gì hết, nhưng chúng ta là những kẻ thật tế hiểu rõ tầm quan trọng của tiền bạc. Lẽ dĩ nhiên chúng ta sẽ ráng không yêu tiền bạc, nhưng chúng ta phải nhận thức tầm quan trọng của nó. Chúa Giê-su nói đừng tích trữ của cải trên trái đất, nhưng chúng ta không thể sống như thế. Ai chẳng có tài khoản trong ngân hàng? Nếu bạn không có tài khoản, bạn muốn trả tiền điện thoại cũng không được. Có tài khoản thì phải có tiền trong đó, như vậy là tích trữ tài sản, phải không?”

Chúng ta phải suy ngẫm kỹ lưỡng, bằng cách nào mà chúng ta có thể thật hành lời dạy của Chúa Giê-su về việc đừng tích trữ của cải?

Tôi có thể làm chứng rằng tôi đã sống theo nguyên tắc không tích trữ tài sản, và tôi đã sống còn cho đến hôm nay! Tôi biết rằng chúng ta có thể thật hành nguyên tắc này. Từ lúc tôi nhận biết Chúa Trời cho đến hôm nay, tôi không hề để dành một số tiền khả quan, cũng tại vì tôi không hề kiếm được một tiền lương khả quan. Khi tôi còn là học sinh, tôi đồng thời phụng sự tại một hội thánh ở London, tôi không nhận lãnh tiền lương. Cho dù tôi giảng dạy buổi học tập Kinh Thánh hàng tuần, giảng luận hai lần trong một tháng, lãnh đạo một vài nhóm, và truyền giảng trong buổi hội nghị của hội thánh, nhưng trong vài năm trời như vậy tôi không nhận lãnh một đồng nào cả. Khi tôi phụng sự ở một hội thánh ở Liverpool, tôi cũng không nhận lãnh tiền lương. Tôi từ chối bất cứ tiền lương gì, tôi chỉ nhận tiền hổ trợ tình nguyện thôi. Thật ra, phần nhiều người trong hội thánh không biết rằng tôi không nhận lấy tiền lương.

Khi tôi di cư sang Canada, tôi cần phải khai tài sản của tôi. Tôi phải điền cái mẫu đơn, nhưng tôi không có tài sản để khai. Tôi tự nhủ rằng: “Nếu tôi di cư sang Canada mà lại không khai một đồng nào về tài sản, các nhân viên chính phủ chắc hoài nghi lắm.” Nếu tôi khai 50 đô, nhân viên nhập cảnh chắc nghĩ rằng: “Ông này có một người vợ và một đứa con bé, cả một gia đình di cư đến Canada mà chỉ có 50 đô sao?”

Tôi bèn cầu nguyên rằng: “Cha ơi, con phải điền vào hàng này bao nhiêu tiền?” Ngẫm nghĩ một hồi, tôi nói rằng: “Cha ơi, nếu Cha bằng lòng, với niềm tin con sẽ điền vào hàng này 1000 đô.” Lúc đó tôi không có 1000 đô, nhưng với niềm tin tôi cứ khai như vậy.

Khi tôi đến Montreal, nhân viên nhập cảnh hỏi tôi rằng: “Ông khai 1000 đô trong mẫu đơn, ông có món tiền này không?”

Tôi nói rằng: “Xin chờ, để tôi đếm.” Tôi lấy ra hết thảy tiền bạc trong túi, tôi bảo vợ tôi cũng lấy ra tất cả để trên bàn. Chúng tôi đếm được 1004 đô. Đó là hết thảy tài sản của chúng tôi. Sau những năm phụng sự ở hội thánh, tôi có 1004 đô trên bàn, phần nhiều món tiền đó là do các anh chị em trong hội thánh tặng cho tôi trước khi chúng tôi rời Liverpool.

Lẽ dĩ nhiên, khi bạn đến một chỗ mới, bạn cần phải mua nhiều đồ đạc. Chúng tôi đến từ nước Anh, chúng tôi không có áo quần thích hợp cho thời tiết mùa đông của Canada. Chúng tôi không có giầy ống. Giầy ống và áo ngoài mùa đông là mắc tiền lắm, nhưng Chúa Trời đã cung cấp tất cả những điều cần thiết cho chúng tôi. Chúng tôi có phải thường xuyên ở trong tình trạng thiếu thốn không? Không! Thật ra chúng tôi không hề thiếu thốn món nào cần thiết.

Nếu tôi không sống theo lời dạy trong Kinh Thánh, tôi không thể giảng dạy Kinh Thánh một cách chân thành.

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church